Diễn đàn pháp luật năm 2017: Tăng cường tiếp cận công lý cho người nghèo và nhóm yếu thế
Ngày 15/9/2017, Diễn đàn pháp luật với chủ đề “Tăng cường tiếp cận công lý cho người nghèo và nhóm yếu thế” do Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền đã đồng chủ trì Diễn đàn cùng Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và Giám đốc quốc gia USAID Michael Greene.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định: trong những năm qua, thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chiến lược cải cách tư pháp, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật nhằm tăng cường tiếp cận công lý, tiếp cận pháp luật cho người dân, đặc biệt là những người nghèo và nhóm yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, các cơ quan Việt Nam cũng nhận thấy còn rất nhiều việc phải làm để thực hiện tốt hơn những nội dung công việc nêu trên.
Diễn đàn lần này là cơ hội để các bên cùng trao đổi, chia sẻ, cập nhật các thông tin về hoàn thiện và thực hiện pháp luật về tiếp cận công lý đối với người nghèo và nhóm yếu thế thông qua trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở cũng như vấn đề bảo đảm công lý đối với nạn nhân bị bạo lực về khía cạnh giới – những nội dung luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các cơ quan nhà nước và người dân.
Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã giới thiệu những điểm mới của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, đặc biệt là các quy định liên quan đến người nghèo và nhóm yếu thế trong xã hội. Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã giới thiệu về công tác hòa giải của Việt Nam và đưa ra những đề xuất, kiến nghị về công tác này trong thời gian tới.
Với chủ đề “Bảo đảm công lý đối với nạn nhân bị bạo lực về khía cạnh giới”, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền đã tiếp cận với ba nội dung là nhận diện về bạo lực về khía cạnh giới, quy định của pháp luật Việt nam về bảo đảm công lý đối với nạn nhân bị bạo lực về khía cạnh giới và thực tiễn thi hành pháp luật và áp dụng pháp luật liên quan đến bảo đảm công lý đối với nạn nhân bị bạo lực về khía cạnh giới tại Tòa án nhân dân.
Theo đó, thuật ngữ “bạo lực trên cơ sở giới” được sử dụng để phân biệt bạo lực thông thường với bạo lực nhằm vào các cá nhân hoặc nhóm cá nhân trên cơ sở sự phân cấp quyền lực do những khác biệt giới gây nên và ngoài phụ nữ thì nam giới và trẻ em trai cũng có thể trở thành nạn nhân.
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR 2003) sử dụng thuật ngữ bạo lực trên cơ sở giới dựa trên Điều 1 và 2 của Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Xoá bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ năm 1993 và Đề xuất thứ 19, đoạn 6 của Kỳ họp thứ 11 Hội đồng CEDAW. Theo đó, bạo lực trên cơ sở giới là bạo lực nhằm vào một người dựa trên cơ sở giới tính của người đó. Nó bao gồm các hành động gây ra những tổn hại về thể chất, tâm lý và tình dục, những đe dọa dẫn đến những hành động nói trên, sự ép buộc và những hình thức khác nhằm tước bỏ tự do của người đó…
Đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TAND tối cao phát biểu tại Diễn đàn
Tại Việt Nam, việc công nhận, thực thi, bảo vệ quyền con người nói chung và bảo đảm công lý về khía cạnh giới đối với nạn nhân bị bạo lực về giới nói riêng là mục tiêu và nguyên tắc cơ bản, nhất quán trong chính sách của Đảng và Nhà nước, được quy định tại Điều 14, Điều 16, Điều 20 và Điều 26 của Hiến pháp năm 2013.
Luật Bình đẳng giới năm 2006 nghiêm cấm hành vi cản trở nam, nữ thực hiện bình đẳng giới; phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức; bạo lực trên cơ sở giới và các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Do vậy, người có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới sẽ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Xuất phát từ những quy định nêu trên của Hiến pháp, Luật bình đẳng giới, đối tượng bị bạo lực cần được bảo vệ không chỉ là phụ nữ mà còn cả nam giới. Có thể nói, đây là một trong những quy định hoàn toàn mới và phù hợp, bất kể là người nào bị xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đều được pháp luật bảo vệ. Trên cơ sở đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung “Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ” của Bộ luật Hình sự năm 1999 thành “Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới” cho thấy, qua thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm và sự ra đời của Luật bình đẳng giới đã thúc đẩy các nhà làm luật có một cái nhìn thấu đáo và toàn diện hơn về bình đẳng giới không chỉ là nâng cao quyền lợi cho nữ giới mà còn là đảm bảo sự cân bằng về quyền và nghĩa vụ giữa nam giới và nữ giới trong xã hội.
Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm công lý với nạn nhân bị bạo lực về khía cạnh giới cũng được quy định cụ thể ở Luật hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Người cao tuổi, Luật Quốc tịch, Luật Nuôi con nuôi… Có thể thấy, việc công nhận, thực thi, bảo vệ quyền con người nói chung và bảo đảm công lý đối với nạn nhân bị bạo lực về khía cạnh giới nói riêng là mục tiêu và nguyên tắc cơ bản, nhất quán trong chính sách của Đảng và Nhà nước.
Để bảo đảm công lý đối với nạn nhân bị bạo lực về khía cạnh giới, trong thời gian vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm thực thi các văn bản nêu trên.
Trong công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao: Việc xây dựng, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn như Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và một số bộ, ngành có liên quan được thực hiện đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật bình đẳng giới trong việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.
Quang cảnh buổi Diễn đàn
Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo tranh tụng dân chủ, không phân biệt giới tính khi xét xử; nâng cao chất lượng, xét xử đúng người, đúng tội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự và Bản án, Quyết định của Tòa án phải có tính thuyết phục, bảo đảm có hiệu lực pháp luật phải được toàn xã hội nghiêm chỉnh chấp hành.Công tác xét xử, giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực về khía cạnh giới: Tòa án nhân dân luôn chú trọng, tăng cường các biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị can, bị cáo, đương sự không có sự phân biệt giữa các đối tượng là nam giới hay phụ nữ. Tăng cường tập huấn chuyên sâu các kỹ năng về giải quyết các loại vụ án hình sự liên quan đến các tội về xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân; các loại vụ việc về hôn nhân và gia đình; các loại tranh chấp lao động bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật trong xét xử; bảo đảm công bằng, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người không phân biệt giới tính.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm công lý, quyền con người, bảo đảm công lý về khía cạnh giới: Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành các quy định để đổi mới mô hình phòng xét xử, tổ chức phiên tòa thân thiện mới người chưa thành niên; công khai các bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao; xây dựng và phát sóng Truyền hình Tòa án nhân dân. Đồng thời, đã đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xét xử của Tòa án để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án liên quan đến bạo lực về giới, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn bảo đảm công lý về khía cạnh giới.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn đánh giá cao nội dung các tham luận, coi đây là những thông tin quý báu để tiếp tục nghiên cứu, đề ra các giải pháp để đẩy mạnh việc tăng cường tiếp cận công lý cho người nghèo và nhóm yếu thế trong xã hội.
Trích nguồn: Cổng thông tin điện tử Tòa án tối cao