Ngày 21/6/2017, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập (gọi tắt là Nghị quyết số 42/2017/QH14). Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017 và được thực hiện trong thời hạn 05 năm kể từ ngày có hiệu lực. Ngày 19/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội.
Nội dung và mục đích của Nghị quyết này là quy định một số biện pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng), tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu bảo đảm các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
– Về nguyên tắc xử lý nợ xấu theo quy định tại Điều 3 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định như sau:
+ Bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
+ Phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
+ Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
– Về nợ xấu được quy định tại Điều 4 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 bao gồm:
+ Khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15 tháng 8 năm 2017.
+ Khoản nợ được hình thành trước ngày 15 tháng 8 năm 2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.
Việc xác định khoản nợ là nợ xấu căn cứ vào Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này. Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Phụ lục theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản khoản nợ là nợ xấu khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết này.
– Về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định như sau:
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ.
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 trên thực tế còn thấy một số vấn đề tồn tại, vướng mắc cần kiến nghị, đề xuất như sau:
Thứ nhất, trường hợp cá nhân, tổ chức vay tiền của tổ chức tín dụng và bảo đảm nghĩa vụ thanh toán bằng tài sản thông qua hợp đồng thế chấp tài sản, các hợp đồng này đều tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Ngoài việc vay tiền của tổ chức tín dụng trên các cá nhân, tổ chức này còn vay tiền của các cá nhân khác bên ngoài nhưng không có tài sản bảo đảm hoặc còn có nghĩa vụ phải thanh toán các khoản nợ khác. Khi đến hạn thanh toán nợ vay cho tổ chức tín dụng thì các cá nhân, tổ chức vay tiền này không thanh toán được nên tổ chức tín dụng xác định các khoản nợ này là nợ xấu và áp dụng các quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 để xử lý thu hồi nợ. Đồng thời cá nhân, tổ chức vay tiền trên cũng không thanh toán được các khoản nợ của các cá nhân khác bên ngoài nên những cá nhân này khởi kiện đến Tòa án yêu cầu giải quyết.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án xác định được tài sản mà người có nghĩa vụ là tài sản đã thế chấp cho tổ chức tín dụng trên có giá trị lớn hơn nhiều so với tổng dư nợ của người có nghĩa vụ đối với tổ chức tín dụng. Điều này có nghĩa là khi xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng xong thì giá trị tài sản này vẫn còn rất lớn để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người có nghĩa vụ cho các cá nhân mà người này có nghĩa vụ thanh toán theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 thì trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án không được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản của người có nghĩa vụ, Cơ quan thi hành án dân sự cũng không được kê biên tài sản để thi hành án đối với người có nghĩa vụ phải thi hành án nếu bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, bởi vì tài sản của người có nghĩa vụ này đã được thế chấp cho các tổ chức tín dụng. Như vậy, khi thực hiện theo Nghị quyết 42/2017/QH14 thì các tổ chức tín dụng và người vay tiền có thế chấp tài sản thỏa thuận bằng văn bản giao tài sản tài sản thế chấp cho tổ chức tín dụng xử lý để thu hồi nợ xấu. Do tài sản thế chấp có giá trị lớn hơn nhiều so với tổng dư nợ của người có nghĩa vụ đối với tổ chức tín dụng nên sau khi bán tài sản thế chấp và tổ chức tín dụng đã thu hồi đầy đủ các khoản nợ thì giá trị tài sản còn thừa lại người thế chấp tài sản sẽ được nhận. Sau khi nhận tài sản còn thừa lại, người này sẽ không thi hành án nghĩa vụ trả tiền theo các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật khác. Như vậy, trong trường hợp này các tổ chức tín dụng sẽ thu hồi nợ xấu đầy đủ nhưng các cá nhân khác đã khởi kiện và đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà người có nghĩa vụ đã nhận lại tài sản còn thừa khi bán tài sản thế chấp chây ỳ, cố tình trốn tránh, tẩu tán tài sản, không chịu thi hành án thì các bản án, quyết định trên rất khó thi hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án khác, gây bức xúc trong dư luận.
Thứ hai, cũng như trường hợp trên, khi xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng và người vay tiền có thế chấp tài sản thỏa thuận bằng văn bản giao tài sản thế chấp cho tổ chức tín dụng xử lý để thu hồi nợ xấu và tài sản thế chấp có giá trị thực tế lớn hơn nhiều so với tổng dư nợ của người có nghĩa vụ đối với tổ chức tín dụng. Nếu việc xử lý bán tài sản thế chấp không thực hiện công khai thông tin, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường theo đúng quy định tại Điều 5; khoản 3, khoản 4 Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14 thì rất dễ bị người có tài sản bảo đảm lợi dụng, nhờ người thân mua tài sản với giá thấp hơn giá thực tế để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ và thi hành án. Điều này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án khác, gây bức xúc trong dư luận.
Từ những phân tích, đánh giá trên chúng tôi xin kiến nghị như sau:
Tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan có liên quan trong đó có Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong chức năng, nhiệm vụ của mình hướng dẫn tổ chức thực hiện nghị quyết. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cần ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện nghị quyết theo hướng như sau:
Thứ nhất, khi các tổ chức tín dụng xử lý bán tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu phải thực hiện công khai thông tin, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường theo đúng quy định tại Điều 5; khoản 3, khoản 4 Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14, đồng thời bổ sung quy định việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu phải được Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức bán đấu giá công khai theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ hai, nếu khi các tổ chức tín dụng bán tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu mà người có tài sản bảo đảm ngoài khoản nợ đối với các tổ chức tín dụng còn có các khoản nợ và nghĩa vụ khác đang được Tòa án thụ lý giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và đang được cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành thì các tổ chức tín dụng cần thông tin cho cơ quan Tòa án và Thi hành án dân sự được biết để phối hợp giải quyết. Đối với Cơ quan, tổ chức bán đấu giá, sau khi tổ chức bán đấu giá tài sản bảo đảm xong và thanh toán toàn bộ dư nợ cho các tổ chức tín dụng, nếu giá trị tài sản đã bán còn thừa thì không được chi trả cho người có tài sản bảo đảm mà thông báo cho cơ quan Tòa án, Thi hành án dân sự biết để tiến hành các biện pháp được pháp luật quy định để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án như áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (đối với Tòa án) hoặc kê biên tài sản của người phải thi hành án (đối với cơ quan thi hành án dân sự) theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án khác, đồng thời ngăn ngừa người có nghĩa vụ thi hành án có tài sản nhưng cố tình tẩu tán, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
Trên đây là một số kiến nghị, đề xuất nhằm tổ chức thực hiện đạt hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội. Kính đề nghị các cơ quan có thẩm quyền quan tâm xem xét.
Tác giả bài viết: Đinh Tấn Long
Phó Chánh án TAND thành phố Tam Kỳ