Một số vấn đề về thực tiễn tham gia xét xử án hình sự của HTND ngành TAND tỉnh quảng nam từ đầu nhiệm kỳ đến nay (2011 – 2013)

Tình hình tội phạm trên địa bàn Quảng Nam gần đây có chiều hướng tăng nhanh về số lượng và tính chất phức tạp, nhiều vụ phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, do nhiều đối tượng tham gia với nhiều hành vi nguy hiểm, có tổ chức, mang hình thức băng nhóm.

Theo đó, công tác xét xử các vụ án hình sự trong thời gian qua đối với ngành Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam gặp nhiều thách thức. Bên cạnh sự nổ lực phấn đấu của Thẩm phán, cán bộ, công chức ngành, trong những năm qua, công tác xét xử án hình sự của ngành Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam nhận được sự tham gia tích cực của Hội thẩm nhân dân hai cấp, góp phần cùng ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở tổng hợp kết quả xét xử sơ thẩm của toàn ngành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bài viết này, chúng tôi đánh giá khái quát về kết quả tham gia xét xử tại Tòa án của Hội thẩm nhân dân qua nửa nhiệm kỳ hoạt động, đồng thời rút ra một số vấn đề với mong muốn trao đổi cùng các vị Hội thẩm nhân dân về công tác nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân toàn ngành trong thời gian tới.

I. Khái quát về thực trạng tham gia xét xử vụ án hình sự của HTND:

1. Một số kết quả đạt được:

1.1. Về số lượng:

Trong 3 năm qua (2011 – 2013), toàn ngành Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử sơ thẩm 2.571 vụ án hình sự/ 4.325 bị cáo, chiếm 21,13 % tổng số các loại án đã giải quyết, tỷ lệ giải quyết hằng năm đạt trên 99%. Gồm: Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tỉnh xét xử 792vụ/1.054 bị cáo; Tòa án nhân dân các huyện, thành phố xét xử 1.779 vụ/ 3.271 bị cáo. Trong đó, toàn ngành đã tổ chức xét xử lưu động 917 vụ án/ 1.332 bị cáo. Tương ứng với số lượng vụ án hình sự được giải quyết, trong 3 năm qua, có 5.172 lượt Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử án hình sự. Số liệu trên cho thấy sự nổ lực phấn đấu lớn của các vị Hội thẩm nhân dân trong quá trình thu xếp công việc, tham gia xét xử cùng Tòa án, đồng thời khẳng định năng lực và trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân toàn ngành.

1.2. Về chất lượng:

Trong tổng số lượng án hình sự đã xét xử sơ thẩm, có 773 vụ án/ 1.049 bị cáo bị kháng cáo, kháng nghị. Kết quả xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm y án sơ thẩm 721 vụ; sửa án sơ thẩm do lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử 21,5 vụ; hủy án sơ thẩm do lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử 30,5 vụ, trong đó hủy án sơ thẩm do lỗi chủ quan của Hội thẩm nhân dân 03 vụ. Quan tâm hơn, có 01 vụ án/01 bị cáo bị tại cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội, có kháng nghị, kết quả xét xử phúc thẩm y án;qua nghiên cứu, trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra lại 244 vụ, được Viện kiểm sát chấp nhận 212 vụ.

1.3. Đánh giá chung:

Nhìn chung, kết quả tham gia xét xử các vụ án hình sự của Hội thẩm nhân dân hai cấp trong thời gian qua đã đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra, góp phần cùng ngành Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, không xét xử oan người không có tội phải bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; đảm bảo vai trò, vị trí của Hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử, bảo vệ kịp thời, hiệu quả pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm tại địa phương.

2.Một số tồn tại:

2.1.Trong việc thực hiện quyết định phân công của Chánh án Tòa án:

Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án hình sự trên cơ sở quyết định phân công của Chánh án Tòa án theo qui định tại Điều 38 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trên thực tế, có nơi Chánh án Tòa án ra quyết định cụ thể phân công Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử, nhưng đa phần coi quyết định đưa vụ án ra xét xử là quyết định phân công Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc Hội thẩm nhân dân thực hiện quyết định phân công của Chánh án có nơi vẫn còn một số tồn tại về mặt thời gian, trách nhiệm và chất lượng công tác Hội thẩm nhân dân. Có thể khái quát:

– Trong một vài trường hợp cụ thể, còn Hội thẩm nhân dân thực hiện không đạt yêu cầu phân công của Chánh án Tòa án. Tồn tại này dẫn đến sự bị động trong công tác chuẩn bị xét xử của Tòa án, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia xét xử của Hội thẩm, có trường hợp trước giờ xét xử phải liên hệ tìm Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử; vẫn còn phiên tòa phải hoãn vì không có Hội thẩm nhân dân tham gia;

– Số ít Hội thẩm nhân dân tinh thần trách nhiệm chưa cao, thực hiện không đảm bảo nguyên tắc độc lập khi xét xử, thậm chí phó thác trách nhiệm trong việc nghiên cứu hồ sơ, trong quá trình thẩm vấn và nghị án quyết định kết quả vụ việc cho Thẩm phán khi được mời tham gia xét xử.

– Thực tiễn xét xử có một vài trường hợp Hội đồng xét xử không tuân thủ qui định về trang phục, dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thiếu nghiêm túc về hình thức tổ chức xét xử, nhất là đối với các phiên tòa lưu động. Còn địa phương để Hội thẩm nhân dân đi xe máy đến địa điểm xét xử lưu động, dẫn đến thời gian tham gia xét xử bị động, tính an toàn và nghiêm túc trong xét xử bị ảnh hưởng.

2.2.Trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự:

Muốn xét xử vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đòi hỏi phải nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án hình sự. Muốn nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án hình sự đòi hỏi Hội thẩm nhân dân phải tập trung tinh thần, năng lực nghiệp vụ và đảm bảo thời gian nghiên cứu. Kết quả tham gia xét xử thời gian qua cho thấy, đa phần các vị Hội thẩm nhân dân tham gia nghiên cứu hồ sơ đầy đủ, chất lượng. Song, vẫn còn trường hợp chưa khoa học, chưa đảm bảo tính tích cực, nghiêm túc, chưa đầu tư thời gian hợp lý khi nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự. Thực tiễn có những phương pháp nghiên cứu đơn giản như đến Tòa án yêu cầu Thư ký Tòa án photo dùm kết luận điều tra và cáo trạng mang về đọc; có trường hợp trước giờ xét xử mới đọc qua hồ sơ; cũng có trường hợp đọc hết hồ sơ nhưng không ghi chép, không tóm lược được nội dung, yêu cầu cốt yếu của vụ án hoặc khi nhận được thông tin phân công xét xử thì hỏi Thẩm phán tình hình vụ án thế nào, có vướng gì không, nếu không vướng thì…khỏi cần nghiên cứu hồ sơ trước; thậm chí có trường hợp không nghiên cứu hồ sơ vẫn tham gia xét xử. Các tồn tại trên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng xét xử tại phiên tòa hình sự, dưới đây là một số ví dụ cụ thể:

Ví dụ 1:

Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện D, xét xử về tội “Cản trở giao thông đường bộ” bị cấp phúc thẩm xử hủy, giao về điều tra, truy tố, xét xử lại. Trong đó, một lý do quan trọng mà cấp phúc thẩm căn cứ để hủy bản án sơ thẩm xuất phát từ nguyên nhân nghiên cứu không kỹ hồ sơ của Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm. Cụ thể:

Hồ sơ vụ án phản ảnh, biên bản hiện trường lập hồi 01h30 ngày 20 tháng 3 năm 2012 ghi nhận “Xe moto BKS….nằm ngã nghiêng bên trái, nằm gần như vuông góc với hướng chuẩn….” và “có một vết cày tại hiện trường, điểm cuối được xác định là gác chân trước bên trái xe moto BKS…”. Trong khi đó, người làm chứng xác định “Khi phát hiện thấy người bị hại nằm dưới đường, xe moto đè trên hai chân của người bị hại; người làm chứng dựng xe lên, trên xe còn treo một túi bún và trứng vịt lộn”. Như vậy, tại hiện trường vụ tai nạn chiếc xe này nằm, hay đã được dựng đứng, trên xe có túi đồ ăn hay không, vết cày xước tại hiện trường có phải do gác chân trước bên trái xe moto gây ra hay không?….Những vấn đề này cấp sơ thẩm chưa nghiên cứu kỹ và chưa làm rõ.

Ví dụ 2:

Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Đ bị cấp phúc thẩm xử hủy, giao về điều tra, truy tố xét xử lại tội “Cố ý gây thương tích”. Trong đó, một lý do quan trọng mà cấp phúc thẩm dùng làm căn cứ hủy án sơ thẩm là sự không thống nhất giữa thương tích trong nội dung kết luận của Bản giám định tỷ lệ thương tích với trích sao bệnh án của người bị hại. Cụ thể:

Cháu Q có hai lần nhập viện, lần thứ nhất nhập viện vào ngày 09 tháng 11 năm 2011 vì hoãn sợ, ngất xỉu, không có thương tích gì; bị cáo bị truy tố khi cho rằng đã gây thương tích cho bị hại trong lần thứ hai nhập viện vào ngày 10 tháng 11 năm 2013. Cả hai lần nhập viện đều có trích sao bệnh án lưu hồ sơ vụ án. Tại kết luận giám định xác định “bệnh nhân van đau vùng đỉnh đầu, không thấy dấu sưng nề, tụ máu, ấn đau chủ yếu đau da và cơ; mu bàn tay phải có vết sát da đã lành sẹo dài 0,5cm, rộng 0,3cm; vùng lưng, cạnh đốt sống thắt lưng DII về bên phải có vết xát da đã lành để lại sẹo còn đóng vảy hình gần tròn đường kính 0,6cm…”. Tuy nhiên, khi đối chiếu nội dung của kết luận giám định trên thì lại không phù hợp với trích sao bệnh án ngày 10 tháng 11 năm 2013 (ngày mà cho rằng bị cáo gây thương tích cho bị hại) mà lại có dấu hiệu phù hợp với trích sao bệnh án ngày 9 tháng 11 năm 2013 (trước ngày cho rằng bị cáo gây thương tích cho bị hại 01 ngày).

Ví dụ 3:

Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện N bị cấp phúc thẩm xử hủy, giao về cấp sơ thẩm điều tra, truy tố, xét xử lại tội “Vi phạm qui định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Trong đó, có hai lý do mà cấp phúc thẩm dùng làm căn cứ để hủy án sơ thẩm thuộc trường hợp Hội đồng xét xử không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, có vi phạm thủ tục tố tụng. Cụ thể:

Một là, theo biên bản thực nghiệm điều tra lập ngày 20 tháng 7 năm 2012 thì thành phần tham gia không có bị cáo H, người bị hại còn sống T và những người làm chứng quan trọng của vụ án.

Hai là, quyết định đưa vụ án ra xét xử ghi ngày xét xử là ngày 22 nhưng thực tế xét xử là ngày 29 tháng 8 năm 2012.

2.3.Trong việc tham gia xét xử vụ án hình sự:

Hoạt động xét xử là hoạt động tập thể nhưng khi quyết định kết quả vụ án phải tôn trọng ý kiến từng thành viên của Hội đồng. Tất cả các quyết định diễn ra tại phiên tòa đều trên cơ sở quyết định của Hội đồng xét xử. Do vậy, Hội thẩm phải thực hiện tốt công tác xét hỏi, đảm bảo tổng hợp đầy đủ thông tin cần thiết để tham gia biểu quyết các hoạt động diễn ra tại phiên tòa hình sự (từ việc xem xét các trường hợp hoãn phiên tòa, thực hiện yêu cầu của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác về triệu tập thêm người tham gia tụng hay bổ sung chứng cứ, tài liệu, đến việc tham gia xét hỏi, xử lý các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa; nghị án, tuyên án và áp dụng, thay đổi, chấm dứt biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo…).Thực tiễn xét xử cho thấy, đa phần các vị Hội thẩm nhân dân làm tốt phần việc liên quan đến giai đoạn này, đảm bảo tính độc lập của Hội thẩm nhân dân trong quá trình xét hỏi và nghị án, bàn bạc quyết định những vấn đề trọng yếu của vụ án. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp Hội thẩm nhân dân không chuẩn bị trước kế hoạch xét hỏi, nên không tham gia xét hỏi hoặc có tham gia nhưng hỏi lặp lại nội dung đã được Thẩm phán thẩm vấn rõ ràng rồi hoặc đặt câu hỏi dài, thiếu trọng tâm, ít liên quan đến vụ án; không định vị được các vấn đề cần phải làm rõ, đối chất, xem xét tổng thể tại phiên tòa. Điều đó dẫn đến bị động trong việc trao đổi, thảo luận, biểu quyết khi nghị án. Còn trường hợp Hội thẩm nhân dân giữ quan điểm cứng nhắc, không xem xét ý kiến trình bày, giải thích theo hướng pháp luật qui định của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa dẫn đến biểu quyết kết quả xử lý vụ án 2/3, bị cấp trên hủy án để xét xử lại. Dưới đây là một số ví dụ cụ thể:

Ví dụ 1:

Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Đ bị cấp phúc thẩm xử sửa phần hình phạt đối với bị cáo N về tội “Trộm cắp tài sản”. Cấp phúc thẩm cho rằng Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm cho bị cáo N hưởng án treo là không có cơ sở và trái với qui định tại Điều 60 Bộ luật hình sự. Theo chúng tôi, đây là thiếu sót quan trọng của Hội đồng xét xử khi nghiên cứu, đánh giá nhân thân, điều kiện cư trú của bị cáo để áp dụng hình phạt. Bởi lẽ, hồ sơ vụ án phản ảnh: Sau khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, bị cáo N bỏ trốn khỏi địa phương, bị cơ quan thẩm quyền phát lệnh truy nã, đến khi xét xử sơ thẩm vẫn chưa có kết quả truy nã. Phiên tòa sơ thẩm xử vắng mặt bị cáo (do bị cáo bỏ trốn), nhưng Hội đồng xét xử lại áp dụng Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo N 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, giao bị cáo về chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú để giám sát giáo dục.

Ví dụ 2:

Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện N bị cấp phúc thẩm sửa phần hình phạt của bị cáo P về tội “Cố ý gây thương tích”. Theo đánh giá của cấp phúc thẩm, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm chưa đánh giá đúng vai trò, mức độ, hậu quả mà hành vi phạm tội của P gây ra trong vụ án có nhiều bị cáo cùng gây thiệt hại sức khỏe cho một người. Cụ thể:

Tòa án các cấp xác định: P và T đến đánh bida tại quán ông Q. Vì đêm khuya nên ông Q không cho P và T chơi bida. P gây gỗ, ném trái bida ra ngoài đường, dùng tay xô xe lăn của ông Q làm ông Q ngã. Vợ ông Q dùng cơ bida đánh P, P giật cây cơ bida và đạp vào người vợ ông Q. Ông C là anh của ông Q can ngăn, đánh P một bạt tai. P dùng cơ bida đánh vào đầu ông C, sau đó T dùng chân đạp vào chân phải và hông của ông C, đánh vào vai làm ông C ngã xuống đất. Ông C bị thương tích 33%. Tòa án các cấp đã tách tỷ lệ thương tích, T gây thương tích cho ông C là 26%, P gây thương tích cho ông C là 7%. Cấp sơ thẩm xử T 02 năm tù giam, còn P thì xử 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Diễn biến vụ án cho thấy, dù P chỉ gây thương tích cho ông C là 7%, nhưng bị cáo P là người gây gổ và có hành vi phạm tội trước bị cáo T, là nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng của vụ án, hành vi phạm tội có tính chất côn đồ, hung hãn, xâm phạm nhiều khách thể cùng một thời điểm; sau khi phạm tội P bỏ trốn, phải bắt theo lệnh truy nã đã gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Do vậy, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm áp dụng điểm g, h khoản 1 Điều 46 (phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng và phạm tội chưa gây thiệt hại) và cho bị cáo hưởng án treo là không đúng pháp luật, đánh giá chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục riêng và phòng ngừa tội phạm.

Ví dụ 3:

Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện T, xét xử các bị cáo A, D, Đ về tội Cướp tài sản (khung hình phạt bị truy tố là từ 7 đến 15 năm tù), bị cấp phúc thẩm hủy án theo hướng không cho các bị cáo hưởng án treo. Trong vụ án này, tại phần nghị án, 02 vị Hội thẩm nhân dân đã biểu quyết cho bị cáo hưởng án treo, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa bảo lưu quan điểm xử phạt tù giam đối với các bị cáo. Theo phần xét thấy của cấp phúc thẩm, mặc dù các bị cáo trong vụ án này được hưởng 02 tình tiết giảm nhẹ theo qui định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự nhưng xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nguy hiểm; các bị cáo đã dùng hung khí nguy hiểm để gây thương tích đối với 03 bị hại, sau đó chiếm đoạt tài sản. Bị cáo A giữ vai trò là người khởi xướng, chuẩn bị hung khí, trực tiếp chiếm đoạt xe máy (tài sản bị cướp), thực hiện hành vi tích cực, quyết liệt. Bị cáo D, Đ khi phạm tội chưa thành niên nhưng thực hiện hành vi phạm tội rất quyết liệt, trực tiếp cầm dao gây thương tích cho các bị hại; sau khi chiếm đoạt xe máy, Đ là người chủ động trao đổi với đồng bọn mang xe về cất nhà bà ngoại mình để đập phá phần nhựa của xe và cất giấu; D giữ vai trò thứ yếu nhưng về nhân thân thì sau khi phạm tội bị xử 01 năm tù về tội Trộm cắp tài sản. Do vậy, quan điểm của Hội thẩm nhân dân về áp dụng mức hình phạt của các bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, xử cho các bị cáo hưởng án treo là chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, không phù hợp với qui định tại các điều 47, 60 Bộ luật hình sự.

3.Nguyên nhân của những tồn tại:

Qua nghiên cứu, tổng hợp, chúng tôi thấy rằng các tồn tại trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân khách quan là thứ yếu, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu:

3.1. Về nguyên nhân khách quan:

Thứ nhất: Trong quá trình tham gia xét xử án hình sự tại Tòa án, đa số Hội thẩm nhân dân gặp khó khăn trong thu xếp thời gian tham gia xét xử. Hội thẩm nhân dân đương chức thì vừa phải cân nhắc lịch xét xử của Tòa án, vừa phải chịu sự phân công, điều chỉnh công việc của lãnh đạo đơn vị. Hội thẩm nhân dân hưu trí thì thời gian có chủ động hơn nhưng gặp phải những khó khăn về sức khỏe và công việc gia đình hay bị cản trở bởi mối quan hệ tình cảm, huyết thống với những người liên quan đến vụ án mà theo qui định của pháp luật tố tụng hình sự là không được tham gia Hội đồng xét xử;

Thứ hai: Chế độ phụ cấp cho Hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử các vụ án nói chung, vụ án hình sự nói riêng vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa hỗ trợ thiết thực cho thu nhập của Hội thẩm nhân dân. Trong khi công việc thì đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian, tốn nhiều công sức và nặng trách nhiệm với nhân dân, với pháp luật.

Thứ ba: Một số quan hệ xã hội mới phát sinh chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh hoặc những xung đột, vướng mắc về mặt pháp luật chưa được ngành liên quan hướng dẫn kịp thời, nhất là các qui định về một số tội phạm mới và một số nội dung pháp luật mới sửa đổi chờ văn bản hướng dẫn thi hành. Điều này phát sinh tâm lý bị động, lúng túng trong đánh giá, biểu quyết kết quả xét xử tại phiên tòa của Hội thẩm nhân dân.

Thứ tư:Quảng Nam vẫn còn nghèo, nhiều địa phương đường xá đi lại khó khăn; thiên tai bão, lũ lại thường xuyên xảy ra. Điều này khiến công tác xét xử lưu động tại các vùng bản, làng, thôn, xóm thuộc vùng núi, vùng xa dù có được chuẩn bị chu đáo mấy cũng gặp phải những khó khăn, tồn tại không lường trước được. Nhiều trường hợp trang phục của Hội thẩm nhân dân bị lấm bẩn do phải đi bộ, lội đường rừng hoặc vừa đi, vừa mang vát thiết bị phục vụ xét xử lưu động.

3.2. Về nguyên nhân chủ quan:

Thứ nhất: Kế hoạch tổ chức hoạt động xét xử của Chánh án Tòa án nhân dân một số nơi chưa cân nhắc đến kế hoạch công tác của Hội thẩm nhân dân. Nhiều Tòa án địa phương làm tốt công tác trao đổi, tham khảo trực tiếp trước với Hội thẩm nhân dân, cả với lãnh đạo của nơi Hội thẩm nhân dân công tác để lên lịch xét xử hợp lý; tuy nhiên vẫn còn đơn vị chưa làm tốt phần việc phối hợp này, lên lịch xét xử trùng thời điểm Hội thẩm nhân dân đi công tác hoặc đang mắc việc riêng gia đình.

Thứ hai: Nhiều năm qua Hội đồng nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc cung cấp văn bản pháp qui cho Hội thẩm nhân dân, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, hội nghị trao đổi, rút kinh nghiệm cho Hội thẩm nhân dân. Nhưng thực tiễn cho thấy nhiều trường hợp Hội thẩm nhân dân không chủ động trong việc cập nhật văn bản pháp qui, một vài Tòa án cấp huyện chưa có kế hoạch thường xuyên, kịp thời cung cấp văn bản pháp qui cho Hội thẩm nhân dân, trong đó có việc chậm cung cấp văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của ngành Tòa án như Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, các Thông tư, Công văn hướng dẫn hoặc báo cáo rút kinh nghiệm nghiệp vụ hằng năm.

Thứ ba: Thẳng thắn thừa nhận, còn số ít Thẩm phán chưa phát huy được năng lực nghiệp vụ của Hội thẩm nhân dân hoặc chưa dành điều kiện để Hội thẩm nhân dân thể hiện quyền tham gia xét xử, thảo luận tại phiên tòa hình sự. Một vài trường hợp Thẩm phán xét hỏi dài dòng, chiếm nhiều thời gian khiến Hội thẩm nhân dân không có cơ hội thẩm vấn thêm hoặc cắt lời thẩm vấn của Hội thẩm khi đang xét hỏi. Một vài trường hợp Thẩm phán không đảm bảo quyền phát hiểu ý kiến của Hội thẩm khi nghị án, không làm đúng thủ tục, trình tự nghị án, thậm chí lấy ý kiến biểu quyết kiểu chung chung cho xong việc. Còn trường hợp Thẩm phán không đủ năng lực nghiệp vụ để viện dẫn pháp luật, thuyết phục Hội thẩm nhân dân nhận định, đánh giá, quyết định vấn đề theo hướng dẫn của pháp luật;

Thứ tư: Số ít Hội thẩm nhân dân năng lực kiến thức pháp luật còn chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động xét xử án hình sự, nhất là vấn đề xem xét loại hình phạt và lượng hình khi xét xử. Phần lớn khi nghị án Hội thẩm nhân dân chỉ quan tâm nhiều đến có tội hay không có tội, xử giam hay xử treo mà ít quan tâm đến việc định lượng mức hình phạt cho hợp lý, giao việc này cho Thẩm phán cân nhắc. Thống kê cho thấy, thực tiễn xét xử đa phần việc quyết định mức hình phạt như thế nào phụ thuộc vào đề xuất của Thẩm phán hoặc trên cơ sở ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên tại phần tranh luận; số ít trường hợp Hội thẩm nhân dân độc lập yêu cầu, biểu quyết mức hình phạt do Hội thẩm cân nhắc, đề xuất.

II. Một số yêu cầu đặt ra đối với Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án hình sự tại Tòa án:

Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội thẩm nhân dân được qui định tại Điều 40 của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó: nghiên cứu hồ sơ trước khi mở phiên tòa; tham gia xét xử vụ án; tiến hành các hoạt động tố tụng; biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử; phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình. Như vậy, phần việc, thẩm quyền và nhiệm vụ của Hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử án hình sự về lý luận cơ bản được định rõ. Vấn đề còn lại là sau khi đánh giá kết quả tham gia xét xử án hình sự của Hội thẩm nhân dân trong thời gian qua, đối chiếu các qui định pháp luật và trước yêu cầu của thực tiễn công việc nghiệp vụ tại ngành Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, theo chúng tôi, việc tham gia xét xử án hình sự của Hội thẩm nhân dân trong thời gian đến phải đảm bảo thực hiện tốt những yêu cầu cơ bản sau:

1.Giai đoạn nghiên cứu hồ sơ:

Ở giai đoạn nghiên cứu hồ sơ, Hội thẩm nhân dân phải chủ động về mặt thời gian và kế hoạch công việc để đủ điều kiện nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án hình sự, từ hình thức đến nội dung vụ án.
Để chủ động về mặt thời gian tham gia xét xử, Thẩm phán, Thư ký Tòa án các đơn vị phải phối hợp với Hội thẩm nhân dân, đơn vị Hội thẩm nhân dân đang công tác để lên lịch xét xử. Đây là việc làm cần thiết, thường xuyên và đảm bảo cho được tính hợp lý giữa công việc của Hội thẩm và công việc của Tòa án. Cá nhân Hội thẩm nhân dân phải có trách nhiệm xác định tính pháp lý về quyền và nghĩa vụ tham gia xét xử tại Tòa án theo qui định của pháp luật, hạn chế trường hợp lãnh đạo đơn vị sử dụng quyền quản lý hành chính để can thiệp, thay đổi thời gian tham gia xét xử của Hội thẩm.

Nghiên cứu về hình thức là nghiên cứu tổng thể các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và việc thu thập tài liệu có tuân thủ trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo pháp luật tố tụng hình sự qui định hay không.
Nghiên cứu về nội dung là nghiên cứu về hành vi của bị cáo có phạm tội không? Tội gì? Tội đó được qui định tại điều nào của Bộ luật hình sự? Nghiên cứu về nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo. Trong đó chú ý nghiên cứu về các tình tiết buộc tội, tình tiết gỡ tội, vai trò của từng bị cáo, đối chiếu với nội dung truy tố của Viện kiểm sát tại cáo trạng đã chính xác, đúng pháp luật chưa?

Quá trình nghiên cứu hình thức, nội dung của vụ án phải bắt đầu từ việc kiểm tra số lượng, tính hợp pháp của tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đến việc xác định ghi chép lại những tình tiết, nội dung cần thiết, rút ra kết luận về vụ án sau khi nghiên cứu để lập kế hoạch xét hỏi và định hướng quan điểm nghị án.

Ngoài ra, theo chúng tôi, quá trình nghiên cứu hồ sơ hoặc sau khi kết thúc việc nghiên cứu hồ sơ, Hội thẩm cần quan tâm xử lý một số vấn đề sau:

Một là: Nếu vụ án thuộc các trường hợp phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Hội thẩm cần trao đổi với Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Về nguyên tắc, phải căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT – VKSNDTC – TANDTC – BCA – BQP – BTP ngày 27 tháng 8 năm 2010 để xác định trường hợp phải trả hồ sơ điều tra bổ sung. Trên thực tế có những vẫn đề thường gặp phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung như: Tính hợp pháp, hợp lý về sự tham gia của người bào chữa đối với bị cáo chưa thành niên, bị cáo bị truy tố khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình hoặc chưa có chứng cứ xác định tuổi của người chưa thành niên; có đồng phạm, phạm tội khác, vụ án không thuộc thẩm quyền…

Hai là: Thực tiễn xét xử cho thấy, nhiều tài liệu trong hồ sơ vụ án chưa đảm bảo tính hợp pháp (bản photo không có công chứng, tài liệu tiếng nước ngoài không được dịch ra bản tiếng Việt…) thì mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật vấn bị kháng nghị hủy để xét xử lại. Bên cạnh đó, nếu có tài liệu thuộc bí mật Nhà nước, bí mật điều tra hoặc bí mật công tác mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đưa vào hồ sơ vụ án, có đánh số bút lục thì cần trao đổi với Thẩm phán, làm việc với các cơ quan này để lập biên bản rút ra khỏi hồ sơ vụ án.

2.Giai đoạn xét xử sơ thẩm:

Trên cơ sở pháp luật tố tụng hình sự qui định và qua thực tiễn xét xử các vụ án hình sự, theo chúng tôi, tại phiên tòa sơ thẩm, Hội thẩm nhân dân phải nắm chắc những phần việc sau:

2.1. Thứ nhất là các phần việc sau thủ tục khai mạc phiên tòa:

Điểm chú ý nhiều nhất trong giai đoạn này là giải quyết các trường hợp hoãn phiên tòa. Đối với các trường hợp vắng mặt người bào chữa bắt buộc theo khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự; vắng mặt người tiến hành tố tụng; vắng mặt bị cáo mà chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục qui định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng hình sự hoăc các trường hợp chấp nhận yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng mà không có người thay thế tại phiên tòa…thì Hội thẩm nhân dân phải xác định rõ những trường hợp trên thuộc diện bắt buộc phải hoãn phiên tòa.

Đối với trường hợp bị cáo chưa nhận được bản cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn qui định tại Điều 182 Bộ luật Tố tụng Hình sự mà bị cáo có yêu cầu hoãn phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải chấp nhận hoãn phiên tòa. Ngoài ra, những trường hợp cụ thể khác thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.

Các trường hợp hoãn phiên tòa thì Hội đồng xét xử đều phải ra quyết định hoãn phiên tòa, trong quyết định này phải ấn định thời gian tiếp tục mở lại phiên tòa (không quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định).
Ngoài ra, trong giai đoạn này, Hội đồng xét xử còn có thể xem xét ra quyết định dẫn giải người làm chứng trong trường hợp người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa.

2.2.Thứ hai là các phần việc trong giai đoạn xét hỏi:

Việc xét hỏi phải theo trình tự được qui định tại Điều 207 Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội thẩm nhân dân phải lưu ý chuẩn bị nội dung xét hỏi, đặt câu hỏi phải rõ ràng, ngắn gọn, dứt khoát, tránh trùng lặp, tránh câu hỏi có định kiến, áp đặt, tránh dụ cung, ép cung, miệt thị…Ngoài việc tham gia xét hỏi làm sáng tỏ nội dung vụ án, Hội thẩm nhân dân còn phải thể hiện trách nhiệm người đại diện cho nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử của Tòa án và phải ghi chép, theo dõi các ý kiến khác nhau trong xét hỏi, trong tranh luận để phục vụ cho quá trình nghị án. Trong giai đoạn này, có thể xảy ra một số tình huống sau:

– Trong quá trình xét hỏi, nếu thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể cùng với kiểm sát viên, người bào chữa và những người tham gia phiên tòa đến xem xét nơi xảy ra tội phạm. Đây là thủ tục xem xét tại chỗ theo Điều 213 Bộ luật Tố tụng hình sự;

– Qua xét hỏi, thấy cần thiết, Hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung, giám định lại theo Điều 215 Bộ luật Tố tụng hình sự.

– Trường hợp sau khi xét hỏi, Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử vẫn phải xét xử toàn bộ vụ án. Trường hợp này có hai vấn đề phải xử lý: Nếu có căn cứ xác định bị cáo không phạm tội thì Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không phạm tội bằng bản án. Nếu việc rút quyết định truy tố không có căn cứ thì Hội đồng xét xử quyết định tạm đình chỉ vụ án, đồng thời thực hiện kiến nghị với Viện kiểm sát cùng cấp.

– Hội thẩm nhân dân phải để ý, nếu qua đối đáp, tranh luận hoặc sau khi nghị án mà xét thấy chưa rõ những vấn đề liên quan đến quyết định vụ án; khi bị cáo nói lời sau cùng nhưng có trình bày thêm chứng cứ mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án …thì Hội đồng xét xử có thể quyết định quay trở lại phần xét hỏi và thực hiện các trình tự tố tụng tiếp theo.

2.3. Thứ ba, trong giai đoạn tranh luận, Hội thẩm nhân dân phải xác định thực hiện tốt nguyên tắc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo Nghị quyết 08/2005/NQ – BCT, trọng tâm là phải tạo điều kiện để các bên tham gia tranh luận thực hiện đầy đủ nội dung và quyền được tranh luận của họ.

2.4. Thứ tư, tại giai đoạn nghị án, tuyên án:

Việc tham gia nghị án của Hội thẩm nhân dân phải đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc và các yêu cầu được qui định tại Điều 222 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong đó, cần tránh trường hợp nghị án trong lúc có Kiểm sát viên hoặc người khác tham gia. Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng biểu quyết theo đa số, Thẩm phán là người biểu quyết sau cùng. Ý kiến khác thiểu số phải trình bày bằng văn bản và lưu vào hồ sơ vụ án. Các thành viên Hội đồng xét xử phải ký vào biên bản nghị án, đã có nhiều trường hợp hủy án do sai sót này. Cần quan tâm là trong trường hợp vụ án nghị án thời gian kéo dài nhiều ngày thì Hội thẩm nhân dân đó không được tham gia xét xử vụ án khác trong thời gian nghị án, vì như vậy là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Bộ luật Tố tụng hình sự không qui định thủ tục thông qua bản án tại phòng nghị án, nhưng theo chúng tôi, bản án là sản phẩm của tập thể Hội đồng xét xử, các thành viên đã ký vào thì họ phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung bản án, do vậy cần thiết phải thông qua bản án tại phòng nghị án trước khi tuyên án.

Ngoài ra, trong giai đoạn này, Hội đồng xét xử còn quan tâm đến việc xem xét thay đổi, hủy bỏ, ban hành quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn (chủ yếu là lệnh tạm giam) đối với bị cáo và quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo qui định tại Điều 187, Điều 222 Bộ luật Tố tụng hình sự.

3. Một số vấn đề khác:

3.1. Một số trường hợp được xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng:

Về lý luận, tại mục 4.4 phần I, Nghị quyết 04/2004/HĐTP đã hướng dẫn rõ thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Về thực tiễn xét xử, Hội thẩm nhân dân cần chú ý kỹ các trường hợp sau:
– Thành phần Hội đồng xét xử không đúng qui định của pháp luật: Thực tiễn có thể thiếu Hội thẩm nhân dân là Giáo viên, cán bộ đoàn thanh niên đối với những vụ án có bị cáo là người chưa thành niên; trường hợp vụ án bắt buộc phải xử 05 người nhưng Hội đồng lại không đủ thành phần; cũng có trường hợp Hội thẩm đã hết nhiệm kỳ nhưng không được bầu lại mà do sơ suất vẫn mời tham gia xét xử hoặc Thẩm phán đã hết nhiệm kỳ nhưng chưa có quyết định bổ nhiệm lại…

– Vụ án thuộc trường hợp phải từ chối hoặc bị thay đổi người tiến hành tố tụng nhưng không thực hiện: Sai sót có thể dễ mắc phải nhất là trường hợp Hội thẩm, Thẩm phán đã tham gia xét xử vụ án rồi, án bị hủy, lần xét xử sau không để ý nên tiếp tục tham gia Hội đồng xét xử.

– Vi phạm quyền bào chữa: Trường hợp này phải chú ý Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự. Vụ án đã bắt buộc phải có người bào chữa thì bất kỳ giai đoạn nào không có người bào chữa tham gia đều là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng;

– Xét xử không đúng thẩm quyền; bỏ sót người tham gia tố tụng hoặc không được hoặc chưa đảm bảo thủ tục xét xử vắng mặt mà vẫn tiến hành xét xử vắng mặt. Thực tiễn cho thấy, đối với việc xác định thẩm quyền, sai sót xảy ra nhiều là khi có các tình tiết xác định bị cáo phạm tội ở khung hình phạt nặng hơn dẫn đến làm cho việc xét xử không đúng thẩm quyền nhưng Hội đồng xét xử không quan tâm. Trường hợp xét xử vắng mặt thì phải tuân thủ qui định về thủ tục niêm yết theo Điều 182 Bộ luật Tố tụng hình sự và qui định về thủ tục truy nã.

– Vi phạm nguyên tắc xét xử liên tục, nguyên tắc quyết định theo đa số. Dễ gặp nhất trong nguyên tắc xét xử liên tục là trong thời gian nghị án vụ án này, thành viên Hội đồng xét xử tham gia xét xử vụ án khác; đối với nguyên tắc quyết định theo đa số rất khó gặp sai sót, nhưng sai sót dễ thấy đó là biên bản nghị án không thể hiện tỷ lệ phần trăm kết quả biểu quyết từng vấn đề của vụ án.

3.2. Một số vấn đề quan tâm khi áp dụng pháp luật hình sự:

Về quan điểm chung nhất, khi tham gia xét xử vụ án hình sự, Hội thẩm nhân dân phải thực hiện nghiêm túc vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình, nghiên cứu, đánh giá, quyết định kết quả vụ án đúng pháp luật hình sự. Thực tiễn xét xử án hình sự trong năm 2013, ngoài những vấn đề đã phân tích ở trên, có một số việc theo chúng tôi, các vị Hội thẩm quan tâm thêm:

Một là: Hội đồng xét xử các cấp phải cân nhắc, xem xét thận trọng chi tiết các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo, từng tội danh cụ thể. Trong đó, cần đặt biệt quan tâm đến các tình tiết liên quan đến thân nhân người phạm tội như: Có cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị em ruột…là những người có công với cách mạng, những người được công nhận danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, được công nhận là Liệt sỹ, Thương binh….Đối với những vụ án có các tình tiết này, Hội đồng xét xử phải làm rõ tính chính xác của chứng cứ, xác định rõ mối quan hệ giữa bị cáo và những người có công với cách mạng mà bị cáo khai và cung cấp tại Tòa án.

Hai là: Chế định án treo là một trong những biểu hiện về tính nhân đạo trong pháp luật hình sự nước ta. Đáng quan tâm là thời gian gần đây thông tin dư luận bàn nhiều về kết quả áp dụng án treo, án cải tạo không giam giữ. Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao cũng chỉ đạo sâu sát vấn đề này. Theo quan điểm chỉ đạo của Ban lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam quán triệt đến toàn thể Hội thẩm nhân dân toàn ngành phải tập trung tinh thần và năng lực, tuân thủ các qui định của pháp luật, bám sát chỉ đạo của lãnh đạo ngành và Tỉnh ủy Quảng Nam, xác định yêu cầu phòng chống tội phạm tại địa phương, giữ bản lĩnh cách mạng, tránh dao động, lúng túng – một mặt áp dụng án treo không đúng pháp luật, mặt khác sợ trách nhiệm mà cứng nhắc không dám áp dụng án treo, làm phương hại đến chính sách nhân đạo của pháp luật nhà nước xã hội chủ nghĩa.

III. Kết luận:

Qua bài viết này, tham vọng của chúng tôi là muốn các vị Hội thẩm nhân dân hệ thống lại một số phần việc cần quan tâm khi tham gia xét xử vụ án hình sự, để thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2011 – 2016 và những năm tiếp theo, Hội thẩm nhân dân hai cấp thuộc ngành chủ động, tự tin tham gia xét xử cùng Tòa án, thể hiện rõ vị trí, vai trò của Hội thẩm nhân dân trong quá trình quyết định kết quả cuối cùng của bản án hình sự sơ thẩm, đảm bảo không xét xử oan người không có tội, không bỏ lọt tội phạm, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhận diện quy định về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; một số bất cập và kiến nghị

Quy định về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức …

X