Những phiên tòa xét xử tội phạm thành niên và vị thành niên ngày càng nhiều. Mỗi vụ án là câu chuyện rất đáng quan tâm về giáo dục đạo đức, pháp luật hiện nay.
Hai phiên tòa xét xử bị cáo Ngô Thanh Vân (SN 1990, thường trú tại Krông Bông, Đăk Lăk) và bị cáo Ngô Thế Hiển (SN 1989, thường trú tại Tiên Phước) vắng lặng, không có người thân hay bạn bè. Cả 2 bị cáo đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nghỉ học sớm đi làm nuôi thân. Vân rời quê xuống Tam Kỳ làm nghề sửa xe tại khối phố 6 phường An Sơn. Còn Hiển 15 tuổi đã làm nghề đập đá ở bãi đá Tiên Lãnh – Tiên Phước. Vào đời sớm, cả hai bị bạn bè rủ rê sử dụng ma túy rồi nghiện lúc nào không hay. Có ít tiền họ mua ma túy để dành sử dụng mà không biết mình đã phạm vào tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Bản án dành cho Ngô Thanh Vân là 4 năm tù giam, Ngô Thế Hiển hai năm tù giam. Trước vành móng ngựa, sau một thời gian tạm giam, cả hai đã cắt được cơn nghiện, cơ thể khỏe mạnh, các bị cáo như tìm lại được cuộc sống từ chính lời tuyên án của tòa. “Vì bạn bè rủ rê nên em đã sử dụng ma túy. Khi bị bắt em mới nhận ra là mình đã bị tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Em mong tòa và các cơ quan tạo điều điện cho em được cải tạo tốt trở về đoàn tụ gia đình, làm ăn trở thành công dân tốt “ – bị cáo Ngô Thanh Vân thú nhận.

Lê Đình Vũ ở Bắc Trà My xuống Tam Kỳ học nghề lái xe, tiền án của Vũ ghi rõ từ năm 19 tuổi bị xử phạt hành chính vì tội đánh nhau có hung khí. Nay, Vũ lại bị tuyên án 2 năm tù giam chỉ vì tính ngông cuồng, nổi loạn vô cớ gây thương tích cho người khác trong một cuộc nhậu ở vỉa hè. Ông Lê Đình Thu, cha của phạm nhân Lê Đình Vũ nuốt nước mắt nói khi phiên tòa kết thúc: “Vì em nó ở vùng sâu vùng xa nên thiếu hiểu biết, rồi vì chén rượu mà phạm sai lầm. Không phải người thân cũng đau lòng huống chi là bậc làm cha mẹ như chúng tôi. Thôi thì mong sau đi cải tạo về cháu nó được trở thành người con ngoan, công dân tốt”.
Còn “tay đàn anh” từng đưa “luật rừng” vào học đường, uy hiếp bạn cùng trường lấy tiền ăn nhậu – Trần Nguyễn Điệu Lâm Công Sang ở Bắc Trà My và đồng bọn bị lãnh tất cả 12 năm tù giam, khép lại thỏa đáng vụ gây rối trật tự an ninh nổi tiếng tại trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam vào cuối năm 2012. Ngày xử án Sang, cả gia đình gồm cha mẹ ruột, cha mẹ vợ và đứa con thơ mới 7 tháng tuổi cũng được vợ Sang ẵm đến nhìn cha. Một đối tượng từng lấy dao tự đâm vào tay uy hiếp cướp tiền sinh viên giờ rơi lệ ân hận trước nỗi đau của cả gia đình do mình gây nên. Bà Nguyễn Thị Hai mẹ của phạm nhân Trần Nguyễn Điệu Lâm Công Sang thắt ruột: “Vợ chồng tôi nhiều đêm không ngủ được, xấu hổ lắm. Con dại cái mang, con hư hỏng tai tiếng cho cha mẹ”.
Đối tượng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên và thanh niên ngày càng gia tăng đang là nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Theo nghiên cứu của cơ quan hành pháp, mỗi bản án đều là một bài học không chỉ cho bị cáo mà còn là gia đình và xã hội. “Hầu hết đối tượng phạm tội đều ở lứa tuổi chưa nhận thức đầy đủ để biết cách xử sự đúng, nhất là những thanh thiếu niên ở xa nhà đến Tam Kỳ làm ăn, học tập. Để hạn chế tình hình vi phạm luật trong độ tuổi vị thành niên và thanh niên, chúng tôi mong rằng các bậc phụ huynh cần quan tâm sát sao đến con em mình, nhà trường cần đưa chương trình giáo dục vào giờ chính khóa và dưới những hình thức sinh động. Các cơ quan chức năng có thể tổ chức nhiều phiên tòa lưu động, hoặc phiên tòa giả định tạo cho học sinh sinh viên làm quen hoặc trực tiếp đóng vai trong phiên tòa. Qua những hình thức tuyên truyền một cách sinh động các em sẽ ngấm luật tự nhiên hơn” ông Đặng Quốc Lộc – Chánh án Tòa án nhân dân TP. Tam Kỳ phát biểu.
Cùng với tuyên truyền giáo dục để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật là các biện pháp chế tài bằng pháp luật. Luật pháp không khoan nhượng thậm chí ngày càng nghiêm khắc đối với những ai phạm tội. Để phía sau song sắt của nhà lao là khoảng lặng cần thiết cho những cuộc đời lầm lỗi được thức tỉnh và trở về hoàn lương.
THANH XUÂN – PHẠM CƯỜNG (baoquangnam.com.vn)