Quy định về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 – gọi chung là Bộ luật hình sự mới) có nhiều thay đổi so với Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi là Bộ luật hình sự cũ). Bằng phương pháp so sánh các quy định cũ và mới, xác định các vấn đề thay đổi chủ yếu, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc kết quả nhận diện Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đồng thời, thông qua kết quả xét xử, giải quyết các vụ án hình sự, chúng tôi xác định một số bất cập, vướng mắc sẽ phát sinh trong thực tiễn và kiến nghị, đề xuất phương án tháo gỡ, góp phần hoàn thiện các quy định của Bộ luật hình sự.
I. So sánh điều luật và nhận diện sự thay đổi giữa BLHS cũ và BLHS mới:
Các quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự mới có nhiều thay đổi so với Bộ luật hình sự năm 2015 và Bộ luật hình sự cũ. Do vậy, chúng tôi trích dẫn quy định về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại Bộ luật hình sự cũ, Bộ luật hình sự năm 2015 và Bộ luật hình sự mới để tiện đối chiếu, so sánh sự khác biệt (trong đó, những nội dung chúng tôi in nghiêng và đậm nét là các quy định mới được sửa đổi, bổ sung năm 2017 so với Bộ luật hình sự cũ):
1. So sánh quy định của điều luật:
– Điều 104 Bộ luật hình sự cũ: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
– Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;
h) Có tổ chức;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;
m) Có tính chất côn đồ;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.
4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
5. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
7. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
– Điều 134 Bộ luật hình sự mới: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”.
2. Nhận diện sự thay đổi:
Quy định về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được Bộ luật hình sự năm 2015 thay đổi nhiều nội dung, đồng thời cũng được sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề vào năm 2017, đây là điều luật duy nhất của phần các tội phạm liên quan đến xâm hại sức khỏe trong Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Trong đó, nội dung chính được sửa đổi, bổ sung năm 2017 là cơ cấu lại số khung hình phạt, giảm từ 7 khoản xuống còn 6 khoản, thay đổi mức hình phạt của từng khung cho phù hợp với sự thay đổi của số khung, đồng thời sửa đổi, bổ sung các tình tiết định khung tăng nặng từ khoản 2 đến khoản 5, pháp điển hóa các hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2006/NQ – HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (về các tình tiết quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự) nhằm đảm bảo các quy định này được rõ ràng và thống nhất khi áp dụng vào thực tiễn.
2.1. Về kết cấu của điều luật: Điều 134 Bộ luật hình sự mới quy định 6 khung hình phạt, tăng về số lượng 2 khung hình phạt so với Bộ luật hình sự cũ, nhưng mức hình phạt thấp nhất và cao nhất không thay đổi. Điều 104 Bộ luật hình sự cũ quy định 04 khung hình phạt, khung cơ bản (khoản 1) là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, khoản 2 là phạt tù từ hai năm đến bảy năm, khoản 3 là phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm, khoản 4 là phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Điều 134 Bộ luật hình sự mới quy định 06 khung hình phạt (lần sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã sửa 7 khung hình phạt của Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 thành 6 khung hình phạt), khung cơ bản (khoản 1) so với quy định cũ thì không thay đổi: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, khoản 2 là phạt tù từ 02 năm đến 06 năm (mức hình phạt cao nhất của khung nhẹ hơn quy định cũ 01 năm tù), khoản 3 là phạt tù từ 05 năm đến 10 năm (mức hình phạt cao nhất của khung nhẹ hơn quy định cũ 05 năm tù), khoản 4 là phạt tù từ 07 năm đến 14 năm (mức hình phạt khởi điểm của khung hình phạt này thấp hơn quy định cũ 03 năm, mức hình phạt cao nhất của khung thấp hơn quy định cũ 06 năm tù và không có hình phạt chung thân, khoản 5 là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, khoản 6 là quy định đối với người chuẩn bị phạm tội này, với khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2.2. Thay đổi về nội dung của từng khoản trong điều luật:
– So với quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ, khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự mới bổ sung, sửa đổi những nội dung chính sau:
+ Khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ và khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 đều lấy các tình tiết tăng nặng định khung ở khoản 1 làm tình tiết định khung tăng nặng ở khoản 2 đối với trường hợp người bị hại tỷ lệ thương tích, tổn hại sức khỏe từ 11% đến 30%. Nhưng khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự mới đã thay đổi cách quy định này theo hướng lọc bỏ tình tiết định khung cơ bản không cần thiết, phân loại các tình tiết định khung tăng nặng với mức độ nguy hiểm, nguy hại khác nhau để giữ một số tình tiết ở khoản 1 và chuyển một số tình tiết sang khoản 2 theo cấp độ nguy hiểm, nguy hại tương ứng (như: phạm tội 02 lần trở lên – phạm tội nhiều lần; tái phạm nguy hiểm) và đưa một trong những tình tiết định khung cơ bản ở khoản 1 làm cơ sở để xem xét, áp dụng tình tiết định khung tăng nặng ở các điểm tại các khoản sau của điều luật mới trong trường hợp tỷ lệ thương tích, tổn hại sức khỏe của người bị hại từ 11% đến 30%.
+ Sửa đổi cụm từ “tỷ lệ thương tật” thành cụm từ “tỷ lệ tổn thương cơ thể”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cụm từ “tỷ lệ tổn thương cơ thể” được sử dụng trong trường hợp này là phù hợp với quy định chuyên ngành của Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 27 tháng 9 năm 2013 của Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành Bản tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích mà trước đây, theo các quy định cũ (Thông tư liên bộ số 12-TTLB ngày 26 tháng 7 năm 1995 của liên Bộ Y tế – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội qui định về tiêu chuẩn thương tật và tiêu chuẩn bệnh tật) thì xác định cụm từ này là “thương tật”. Theo chúng tôi, đây là sự thay đổi có ý nghĩa về tính chuẩn xác của thuật ngữ pháp lý, thuật ngữ chuyên ngành trong điều luật.
+ Sửa đổi, bổ sung tình tiết định khung cơ bản quy định tại điểm a khoản 1. Theo đó, ở quy định cũ chỉ xác định 02 tình tiết là: Tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm” và tình tiết “dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người” thì ở quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 được chia thành 4 tình tiết tương ứng với việc người phạm tội dùng “vũ khí”, “vật liệu nổ” (đây là hai tình tiết mới bổ sung), “hung khí nguy hiểm” và “thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người”. Thực ra, việc bổ sung tình tiết dùng “vũ khí” vào điểm a khoản 1 Điề 134 là pháp điển hóa hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2006/NQ – HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (về các tình tiết quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự), trong đó có nội dung hướng dẫn là: ““Dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”. Về nội hàm của quy định thì “vũ khí” thuộc một trong các dạng của “hung khí nguy hiểm”, do vậy, so với quy định cũ, điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự mới chỉ có bổ sung thêm việc dùng “vật liệu nổ” là tình tiết định khung cơ bản. Tình tiết này, trước khi được sửa đổi năm 2017 thì điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định là “Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên”.
Một vấn đề nữa chúng ta cần lưu ý về sự thay đổi ở nội dung của tình tiết “dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người” của quy định cũ với tình tiết “dùng thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người” của quy định mới. Việc bổ sung từ “có khả năng” vào tình tiết này giải quyết dứt điểm vướng mắc trong thực tiễn trước đây là người phạm tội có “dùng thủ đoạn” nhưng thực tế sau khi tội phạm hoàn thành thì “chưa xảy ra hậu quả gây nguy hại cho nhiều người” – điều này dẫn đến thiếu thống nhất và tạo sự lúng túng trong áp dụng pháp luật, nhất là trong hoạt động tố tụng; quy định mới này xác định rõ là không cần chờ đến hậu quả “gây nguy hại cho nhiều người” xảy ra, mà chỉ cần chứng minh được “thủ đoạn” đó đã được thực hiện và “có khả năng” gây nguy hại cho nhiều người.
+ Bỏ tình tiết định khung cơ bản “Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ và điểm c khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015.
+ Bổ sung tình tiết “Dùng a – xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm” vào điểm b khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự mới. Tình tiết này, trước khi bị sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì điểm b khoản 1 Điều 134 bộ luật hình sự 2015 quy định là “Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”;
+ Bỏ tình tiết “Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ (tình tiết này được sửa đổi, bổ sung và chuyển đến quy định tại khoản 2 của Điều 134 Bộ luật hình sự mới). Cũng cần quan tâm rằng, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên” tại điểm d và “Phạm tội đối với 02 người trở lên” tại điểm đ khoản 1 Điều 134 và các tình tiết này cũng bị bãi bỏ ở lần sửa đổi, bổ sung năm 2017, được chuyển sang quy định tại khoản 2 của Điều 134 Bộ luật hình sự mới;
+ Sửa đổi các tình tiết “đối với trẻ em”, “phụ nữ đang có thai” thành các tình tiết “đối với người dưới 16 tuổi”, “phụ nữ mà biết là có thai”;
+ Bổ sung tình tiết “người chữa bệnh cho mình” vào điểm d khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ. Theo đó, quy định cũ chỉ xác định các đối tượng là: Ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo, người nuôi dưỡng; quy định mới tại điểm d khoản 1 Điều 134 bổ sung đối tượng “người chữa bệnh cho mình”. Tình tiết này cũng mới được bổ sung năm 2017 so với Bộ luật hình sự 2015;
+ Bổ sung tình tiết “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự mới.
+ Sửa điểm g khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ theo hướng thêm và sửa đổi một số trường hợp liên quan đến đối tượng gây thương tích đang trong thời gian bị cơ quan thẩm quyền quản lý, giáo dục. Cụ thể, bổ sung các trường hợp “đang chấp hành án phạt tù”, sửa trường hợp “hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục” thành: “đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”. So với Bộ luật hình sự năm 2015, tình tiết này cũng được sửa lại cho đầy đủ và rõ nghĩa.
+ Sửa điểm h khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ theo hướng thay đổi, bổ sung thuật ngữ pháp lý cho hoàn chỉnh. Cụ thể, thêm nội dung thuê hoặc được thuê gây tổn hại cho sức khỏe của người khác vào tình tiết này để phù hợp với quy định của điều luật là “gây thương tích” hoặc “gây tổn hại cho sức khỏe” của người khác.
+ Bỏ tình tiết “tái phạm nguy hiểm” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ, quy định hoàn chỉnh tại điểm i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự mới là “Có tính chất côn đồ”. Tình tiết tái phạm nguy hiểm được chuyển sang khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự mới. Bộ luật hình sự năm 2015 tách tình tiết “Có tính chất côn đồ hoặc tái pháp nguy hiểm” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ thành 02 tình tiết “m. Có tính chất côn đồ” và “n. Tái phạm nguy hiểm”. Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hìn sự mới bỏ điểm n khoản 1 Điều 134 của Bộ luật hình sự 2015, giữ nguyên nội dung và đổi tên điểm m thành điểm i khoản 1 Điều 134.
+ Sửa nội dung của điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ theo hướng xác định rõ đối tượng bị gây thương tích, bị gây tổn hại sức khỏe. Theo đó, quy định cũ xác định đây là tình tiết tăng nặng do mục đích của người phạm tội là “để cản trở người thi hành công vụ”. Trên thực tế xét xử thì nhiều trường hợp chứng minh mục đích “để cản trở” này không thực sự rõ ràng, phần nhiều phụ thuộc vào lời khai của người phạm tội. Khắc phục các vướng mắc liên quan, điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự mới đã xác định nội hàm của tình tiết tăng nặng định khung này là “đối với người đang thi hành công vụ”. Như vậy, cần chú ý 02 điểm mới phát sinh là: Điểm mới thứ nhất là không cần chứng minh người phạm tội gây thương tích cho người bị hại nhằm mục đích cản trở người thi hành công vụ hay không, chỉ cần người bị hại là người đang thi hành công vụ là đủ điều kiện để áp dụng và cũng không cần chứng minh hoạt động công vụ của người bị hại đang thi hành có liên quan đến người phạm tội hay không; điểm mới thứ hai là xác định rõ thời điểm người bị hại bị gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe là “đang” thi hành công vụ.
Trong trường hợp chứng minh người phạm tội có mục đích “để cản trở người thi hành công vụ” hoặc “hoạt động công vụ” đó có liên quan đến người phạm tội hoặc trường hợp người bị hại “chưa” hoặc “đã” thi hành công vụ thì không thuộc diện điều chỉnh của quy định này mà nó thuộc diện điều chỉnh của vế sau thuộc điểm k là “hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”.
– So với khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ thì khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự mới có những thay đổi như sau:
Nội hàm các quy định của khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự mới được phân định thành 05 tình tiết định khung tăng nặng (quy định cũ không có tình tiết định khung tăng nặng riêng mà quy định chung thành hai nội dung tách bạch là: Tỷ lệ thương tích từ 31% đến 60% hoặc tỷ lệ thương tích từ 11% đến 30% nhưng kèm theo tình tiết định khung ở khoản 1). Trong đó, nội dung tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự mới là việc sử dụng nguyên ý thứ nhất của khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ (trường hợp thương tích, tổn hại sức khỏe từ 31% đến 60%); nội dung tình tiết định khung tăng nặng tại các điểm b, c khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự mới là việc pháp điển hóa hướng dẫn tại tiểu mục 3.2, mục 3 của Nghị quyết số 01/2006/NQ – HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 về tình tiết “phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người” (điểm b là nội dung hướng dẫn về phạm tội đối với nhiều người, điểm c là nội dung hướng dẫn về phạm tội nhiều lần); điểm d “Tái phạm nguy hiểm” là tình tiết tăng nặng chuyển từ điểm i khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ sang; điểm đ là tình tiết tăng nặng sao lại nguyên nội dung ý thứ hai của quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ.
Như vậy, nhìn ở khía cạnh kỹ thuật lập pháp thì việc quy định thêm các tình tiết tăng nặng tại các điểm b, c, d khoản 2 Điều 134 là những nội dung mới quan trọng của quy định mới so với khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ. Nhưng về bản chất thì các điểm b, c, d khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự mới quy định lại nội dung của các điểm c, i khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ. Yếu tố khác biệt căn bản ở đây là, trước đây các điểm c, i khoản 1 Điều 104 chỉ được áp dụng ở khoản 2 Điều 104 khi kèm theo tỷ lệ thương tích của người bị hại từ 11% đến 30%, còn hiện nay các điểm b, c, d là tình tiết tăng nặng độc lập để áp dụng khoản 2 Điều 134 khi hành vi của người phạm tội đủ yếu tố cấu thành cơ bản tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự mới.
– So với khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ thì khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự mới có những thay đổi cơ bản như sau:
+ Khoản 3 điều luật mới có 4 tình tiết định khung tăng nặng (quy định cũ không thiết kế theo kiểu này);
+ Ở khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ quy định 02 điều kiện để xác định tình tiết định khung tăng nặng. Một là tỷ lệ thương tật của người bị hại từ 61 % trở lên hoặc gây chết người. Hai là tỷ lệ thương tật của người bị hại từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các tình tiết định khung quy định tại khoản 1 của điều luật. Khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự mới giữ một phần nội dung của 02 điều kiện trên, tách nó ra thành điểm a là “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này” (nội dung được gạch đít là nội dung mới được bổ sung vào so với quy định cũ) và điểm c là “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này”; còn nội dung “gây chết người” đã chuyển sang tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 4 điều luật mới; và bổ sung thêm hai tình tiết định khung tăng nặng mới tại điểm b và điểm d. Trong đó, một phần nội dung của 02 tình tiết mới tại các điểm b, d khoản 3 Điều 134 là việc nhà làm luật pháp điển hóa hướng dẫn tại tiểu 3.2, mục 2 của Nghị quyết số 01/2006/NQ – HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 về tình tiết “phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người”.
– So với khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ thì khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự mới có những thay đổi cơ bản sau:
+ Khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự mới có 05 tình tiết định khung tăng nặng (khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ không thiết kế theo kiểu này);
+ Khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ quy định hai điều kiện tăng nặng định khung là: Phạm tội dẫn đến chết nhiều người và trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác. Đối chiếu các tình tiết tăng nặng quy định từ điểm a đến điểm đ khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự mới thì thấy:
* Hậu quả chết người là tình tiết định khung tăng nặng theo điểm a khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự mới, với khung hình phạt từ 07 năm đến 14 năm. Theo Điều 104 Bộ luật hình sự cũ thì hậu quả chết người là điều kiện để khởi tố, truy tố, xét xử người phạm tội theo khoản 3, với khung hình phạt từ 05 năm đến 15 năm;
* Khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự mới bổ sung mới các tình tiết định khung tại các điểm b, c để xử lý những trường hợp gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe của người khác mà hậu quả để lại vượt quá mức độ được quy định tại các tình tiết tăng nặng theo khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự mới.
Trong đó, nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, mà kèm theo hậu quả là “Làm biến dạng vùng mặt của người khác” thì sẽ bị khởi tố, truy tố, xét xử theo điểm b khoản 4 Đều 134; nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, và thuộc một trong các tình tiết tăng nặng định khung quy định tại khoản 1 Điều 134 thì sẽ bị khởi tố, truy tố, xét xử theo điểm d khoản 4 Đều 134;
Nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên thì sẽ bị khởi tố, truy tố, xét xử theo điểm c khoản 4 Đều 134; nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 30% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 134 thì sẽ bị khởi tố, truy tố, xét xử theo điểm đ khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự mới.
Tóm lại, khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự năm mới là một nội dung gần như mới hoàn toàn được thiết kế, bổ sung so với Điều 104 Bộ luật hình sự cũ. Trong đó, kết cấu, mức hình phạt (mức khởi điểm và mức cao nhất) đều không giống bất kỳ một khoản nào của Bộ luật hình sự cũ.
– Khoản 5 Điều 134 Bộ luật hình sự mới được thiết kế dựa trên các quy định của khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ, có sửa đổi, bổ sung. Trong đó có những nội dung đáng chủ lý như sau:
+ Mức thấp nhất của khung hình phạt này là 12 năm (cao hơn mức thấp nhất của khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ là 02 năm), mức cao nhất là chung thân (bằng mức cao nhất của khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ).
+ Khoản 5 Điều 134 được thiết kế làm 02 tình tiết định khung tăng nặng. Trong đó có 01 mức hậu quả xảy ra trên thực tế vượt mức độ cao nhất của các tình tiết định khung tăng nặng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 của điều luật và 01 mức hậu quả tương đương tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm c khoản 4 Điều 134 kèm với điều kiện khác. Cụ thể:
* Hậu quả gây ra làm chết 02 người trở lên sẽ bị khởi tố, truy tố, xét xử theo điểm a khoản 5 Điều 134 Bộ luật hình sự mới. Mức độ hậu quả này giống với mức độ hậu quả “dẫn đến chết nhiều người” được quy định tại phần đầu của khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ.
* Hậu quả gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các tình tiết quy định tại khoản 1 điều luật thì sẽ bị khởi tố, truy tố, xét xử theo điểm b khoản 5 Điều 134 Bộ luật hình sự mới.
Như vậy, về bản chất thì các quy định về điều kiện định khung hình phạt ở khoản 5 Điều 134 Bộ luật hình sự mới là những quy định được phiên qua từ khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự cũ. Trong đó, giữ nguyên (thay đổi về từ ngữ) nội dung “dẫn đến chết nhiều người – làm chết 02 người trở lên” và quy định chi tiết nội dung “trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác” thành “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các tình tiết định khung cơ bản quy định tại khoản 1”.
– Khoản 6 Điều 134 Bộ luật hình sự mới là một quy định hoàn toàn mới. Nội dung quy định này là xác định trách nhiệm hình sự của người phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào chuẩn bị phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác đều bị khởi tố, tru tố, xét xử theo khoản 6 Điều 134 Bộ luật hình sự mới. Theo đó, người nào chuẩn bị phạm tội thuộc 01 trong 6 trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 6 Điều 134 Bộ luật hình sự mới: Vũ khí; vật liệu nổ; hung khí nguy hiểm; a xít nguy hiểm; hóa chất nguy hiểm; thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm;
II. Một số vấn đề vướng mắc phát sinh và kiến nghị, đề xuất:
1. Tổng hợp các yếu tố định khung hình phạt theo hậu quả do tội phạm gây ra:
Mức độ hậu quả |
Khoản 1 |
Khoản 2 |
Khoản 3 |
Khoản 4 |
Khoản 5 |
Tổn hại sức khỏe một người dưới 11% | Thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 | ||||
Tổn hại sức khỏe một người từ 11% đến 30% | X | Điểm đ: Thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 | |||
Tổn hại sức khỏe hai người trở lên mà mỗi người từ 11% đến 30% | Điểm b | Điểm d: Thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 | |||
Tổn hại sức khỏe hột người từ 31% đến 60% | Điểm a | Điểm c: Thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 | |||
Tổn hại sức khỏe hai người trở lên mà mỗi người từ 31% đến 60% | Điểm b | Điểm đ: Thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 | |||
Tổn hại sức khỏe một người từ 61% trở lên | Điểm a | Điểm d: Thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 | |||
Tổn hại sức khỏe hai người mà mỗi người từ 61% trở lên | Điểm c | Điểm b: Thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 | |||
Làm biến dạng vùng mặt mà tỷ lệ từ 61% trở lên | Điểm b | ||||
Chết 01 người | Điểm a | ||||
Chết 02 người trở lên | Điểm a |
2. Một số vướng mắc khi Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) áp dụng vào thực tiễn:
2.1.Về những tình tiết mới được sửa đổi, bổ sung so với quy định của Bộ luật hình sự cũ:
Đa số các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự mới đã được hướng dẫn ở các văn bản dưới luật. Trong đó các tình tiết quy định tại điểm a “Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người”, điểm d “đối với ông, bà, cha mẹ, thầy có giáo của mình…” được hướng dẫn tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 01/2066/NQ – HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006; bên cạnh đó, mục 5, phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT ngày 25 tháng 12 năm 2001 cũng hướng dẫn rõ thế nào là “vũ khí, phương tiện, thủ đoạn nguy hiểm khác…”. Tình tiết bổ sung mới của Bộ luật hình sự mới về “Hóa chất nguy hiểm” được quy định cụ thể tại Điều 4 của Luật Hóa chất năm 2007, hướng dẫn tại Nghị định 113/2017/NĐ – CP ngày 09 tháng 10 năm 2017. Tuy nhiên, một số tình tiết mới bổ sung gồm: A xít nguy hiểm, người già yếu, ốm đau, người chữa bệnh cho mình, thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm…thì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Trong đó, mới đủ cơ sở để xác định người già về độ tuổi (70 tuổi), còn mức độ như thế nào để được xem là “yếu, ốm đau…” thì mỗi người, mỗi nơi áp dụng một cách; tương tự như vậy, việc xác định “người chữa bệnh cho mình” được xem xét ở phạm vi thời điểm, mức độ bệnh tật như thế nào, là người “đang” hay “đã” chữa bệnh “cho mình” và những loại bệnh gì thì thuộc phạm vi quy định này, bởi lẽ mức độ bệnh tật của con người thì từ nhẹ đến nặng, từ việc chăm sóc hằng ngày về y tế đến bệnh cấp thời, bệnh lâu ngày, lâu năm…trên thực tế rất phức tạp, khó phân định.
2.2. Về những bất hợp lý khi áp dụng điều luật vào thực tiễn:
Thứ nhất: Theo Điều 134 Bộ luật hình sự mới thì tình tiết định khung “Phạm tội 02 lần trở lên” và “Tái phạm nguy hiểm” chỉ quy định ở Khoản 2, không phải là tình tiết định khung ở khoản 3, khoản 4, khoản 5 với yêu cầu kèm theo mức hậu quả tương ứng. Đây là tình tiết định khung gắn liền với nhân thân người phạm tội, thể hiện mức độ chấp hành pháp luật của người phạm tội, mà theo nhận thức của chúng tôi thì mức độ nghiêm trọng của các tình tiết này có phần cao hơn nhiều tình tiết định khung quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1. Khi áp dụng Điều 134 Bộ luật hình sự mới vào thực tiễn sẽ phát sinh tình huống một người phạm tội gây ra hậu quả gây thương tích cho 01 người mà tỷ lệ thương tích từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích cho 02 người mà mỗi người tỷ lệ thương tích mỗi người từ 11% đến 30% mà thuộc trường hợp Phạm tội 02 lần trở lên hoặc Tái phạm nguy hiểm thì KHÔNG bị xét xử theo khoản 3 Điều 134, trong khi đó nếu họ thuộc các trường hợp từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 thì lại bị xét xử theo khoản 3 Điều 134 (bất cập này phát sinh tương tự khi xảy ra tình huống cần xem xét quyết định hình phạt ở khoản 4, khoản 5 của điều luật). Điều này dễ tạo nên sự không công bằng trong quyết định hình phạt, nhất là việc quyết định hình phạt đối với những trường hợp phạm tội nhiều lần, các đối tượng nguy hiểm, coi thường pháp luật.
Ví dụ 1: Nguyễn Văn A (nhân thân tốt, lần đầu phạm tội) phạm tội gây tổn hại sức khỏe cho Trần Văn B là 35%, do A gây thương tích cho B xuất phát từ những mâu thuẫn, hiểu nhầm của A khi B thực thi hoạt động công vụ liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của A. Do vậy Nguyễn Văn A bị xét xử theo điểm c khoản 3 Điều 134 với khung hình phạt từ 05 năm đến 10 năm (tương tự như vậy, nếu tỷ lệ thương tích của B là 61% thì A bị xét xử theo khoản 4 Điều 134)
Trường hợp khác, Trần Tấn D gây tổn hại sức khỏe cho Huỳnh Văn H là 35% và hành vi phạm tội lần này của H thuộc trường hợp Tái phạm nguy hiểm (đã tái phạm nhưng tiếp tục phạm tội do cố ý), tuy nhiên D vẫn chỉ bị xét xử theo khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 02 năm đến 06 năm tù (tương tự như vậy, nếu H bị thương tích 61% thì cũng chỉ xét xử D theo khoản 3 Điều 134).
Thứ hai: Tình tiết định khung “Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của 01 người từ 61% trở lên” chỉ quy định ở điểm b khoản 4 Điều 134. Trong khi đây là mức hậu quả được xác định riêng do tính nghiêm trọng cao của nó ảnh hưởng đến sức khỏe của người bị hại. Nhưng tình tiết này không phải là tình tiết định khung ở khoản 5 với yêu cầu kèm theo điều kiện tương ứng. Điều này dẫn đến một người phạm tội gây ra hậu quả gây thương tích cho 02 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể mỗi người từ 61% trở lên mà thuộc trường hợp “Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của 01 người trở lên” thì KHÔNG bị xét xử theo khoản 5 Điều 134; trong khi đó nếu họ thuộc các trường hợp từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 thì bị xét xử theo khoản 5 Điều 134.
Ví dụ 2: Nguyễn Văn A (nhân thân tốt, phạm tội lần đầu) gây thương tích cho Trần Văn B và Hoàng Văn C, mỗi người tỷ lệ tổn thương cơ thể là 61%; do A gây thương tich cho B và C vì nguyên nhân nhỏ nhặt nên bị xét xử theo khoản 5 Điều 134 với tình tiết định khung là “Có tính chất côn đồ” thuộc điểm i khoản 1 Điều 134, với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc chung thân.
Trường hợp khác, Lê Tấn T (phạm tội thuộc trường hợp Tái phạm nguy hiểm), gây thương tích cho 02 người phụ nữ, mỗi người bị tổn hại sức khỏe 61%, trong đó cả hai người đều có thương tích làm biến dạng vùng mặt (biến dạng sống mũi vĩnh viễn, mất 01 tai vĩnh viễn…) nhưng chỉ bị xét xử theo khoản 4 Điều 134, với khung hình phạt từ 07 năm đến 14 năm tù.
Thứ ba: Hậu quả chết 01 người bị xét xử theo khoản 4 Điều 134. Nhưng hậu quả này kèm theo các tình tiết định khung tăng nặng từ điểm a đến điểm k khoản 1, các điểm c, d khoản 2 ( Phạm tội 2 lần trở lên, Tái phạm nguy hiểm), điểm b khoản 4 (Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của một người, thậm chí nhiều người…) hoặc kèm theo hậu quả 01 người bị thương tích từ 11 đến 60 % hoặc nhiều người bị thương tích mà trong đó mỗi người từ 31 đến 60% thì lại không quy định ở khoản 5. Điều này dẫn đến mất công bằng rõ ràng khi quyết định hình phạt đối với trường hợp gây hậu quả chết người với trường hợp không gây chết người nhưng gây thương tích cho 02 người trở lên mà tỷ lệ thương tích mỗi người từ 61% trở lên. Bởi lẽ theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự mới thì trường hợp hậu quả gây thương tích cho 02 người trở lên, mà mỗi người tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 thì bị xét xử theo điểm b khoản 5 Điều 134. Có nghĩa rằng, nếu gây ra hậu quả 02 người bị thương từ 61% trở lên thì có thể bị xét xử nặng hơn trường hợp gây hậu quả 01 người chết và 01 người bị thương từ 61% trở lên, chưa kể đến trường hợp người phạm tội còn thuộc các tình tiết tăng nặng quy định tại các điểm c, d khoản 2, điểm b khoản 4 Điều 134 Bộ luật hình sự.
Ví dụ 3: Nguyễn Văn A (nhân thân tốt, lần đầu phạm tội) gây thương tích cho B và C, mỗi người tỷ lệ tổn thương cơ thể 61%, nhưng A phạm tội vì lý do công vụ của B và C nên A bị xét xử theo khoản 5 Điều 134.
Trường hợp khác, Hoàng Văn D (phạm tội thuộc trường hợp Tái phạm nguy hiểm) gây thương tích cho T 62% và gây thương tích dẫn đến hậu quả làm chết H nhưng cũng chỉ bị xét xử theo khoản 4 Điều 134.
2.3. Một số kiến nghị, đề xuất:
– Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và cấp có thẩm quyền sớm có hướng dẫn các quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong đó, cần hướng dẫn rõ thế nào là “A xít nguy hiểm”, là “người già yếu, ốm đau”, “người chữa bệnh cho mình”;
– Tòa án nhân dân tối cao cần tiếp tục rà soát, tổng hợp những bất cập, vướng mắc khi áp dụng Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm khắc phục các thiếu sót phát sinh, trong đó, cần quan tâm những vướng mắc liên quan đến Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 mà chúng tôi đã phản ánh.
Về quan điểm đề xuất sửa đổi, chúng tôi cho rằng cần sửa đổi một số quy định từ khoản 3 đến khoản 5 Điều 134 và cần bổ sung “hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều này” vào quy định tại điểm c, d khoản 3, điểm d, đ khoản 4, điểm b khoản 5 Điều 134; đồng thời sửa lại điểm b khoản 5 Điều 134 theo hướng “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên hoặc làm chết 01 người và gây thương tích cho 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ a đến k khoản 1 hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm c, d khoản 2 điều này”.
Nguyễn Văn Dũng – Phó Chánh án TAND thành phố Tam Kỳ