Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức cán bộ

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/BCS ngày 26/01/2018 của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao và Chỉ thị số 01/2018/CT-CA ngày 26/01/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2018, sáng ngày 16/4/2018, Tòa án nhân dân tối cao khai mạc Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức cán bộ năm 2018. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị, có đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành ở Trung ương: Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Tư pháp Quốc hội…

Về phía Tòa án nhân dân các cấp có đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các đồng chí Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án, Trưởng phòng Phòng Tổ chức-Cán bộ và 01 đồng chí làm công tác tổ chức, cán bộ Tòa án quân sự Trung ương; Chánh án, Trưởng phòng Phòng Tổ chức cán bộ, thanh tra và thi đua khen thưởng và 01 đồng chí làm công tác tổ chức, cán bộ Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các đồng chí Chánh án Tòa án quân sự quân khu.

Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức cán bộ năm 2018 được tổ chức nhằm tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về công tác tổ chức cán bộ trong giai đoạn mới; Kịp thời giải đáp các vướng mắc, khó khăn, bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ của Tòa án nhân dân các cấp, để từ đó xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ trong thời gian tới.

Hội nghị sẽ quán triệt các quy định mới của Đảng về công tác tổ chức cán bộ và định hướng về công tác tổ chức cán bộ của Tòa án nhân dân trong tình hình mới; tổng hợp được các ý kiến đóng góp của Tòa án nhân dân các cấp từ đó xây dựng được các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ trong thời gian tới.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khẳng định Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức cán bộ năm 2018 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm quán triệt, phổ biến và triển khai các chủ trương, những việc cần làm ngay trong công tác tổ chức cán bộ của hệ thống Tòa án. 14 nhiệm vụ về công tác tổ chức cán bộ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị là rất cơ bản, có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và hoạt động của hệ thống Tòa án. Vì vậy, Hội nghị đòi hỏi phải được tổ chức nghiêm túc, theo tinh thần thực chất về nội dung và đổi mới về phương thức để tận dụng thời gian, hội tụ được trí tuệ, tâm huyết của toàn hệ thống Tòa án nhân dân.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang tích cực thực hiện việc tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì vậy, Chánh án đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ tài liệu; xuất phát từ tình hình thực tế tại đơn vị và kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo trong quá trình công tác, tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện và đề xuất có chất lượng để hoàn thiện các quy định, quy chế về công tác tổ chức cán bộ của hệ thống Tòa án; làm cơ sở cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán có đủ phẩm chất, năng lực theo yêu cầu của nền công vụ tiên tiến, chuyên nghiệp và hiện đại, bảo đảm cho các Tòa án nhân dân sẵn sàng đảm nhiệm và hoàn thành tốt những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp của thời kỳ hội nhập; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Để tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác tổ chức cán bộ, góp phần tạo thế và lực bền vững cho sự phát triển của hệ thống Tòa án trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước, trong thời gian tới, Chánh án Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các Tòa án cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể để tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018 và những năm tiếp theo, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của hệ thống Tòa án, nên cần có những giải pháp phù hợp, khả thi, có lộ trình, bước đi vững chắc và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong toàn hệ thống; đáp ứng được yêu cầu công tác hiện tại cũng như lâu dài và giải quyết được những vấn đề thực tế đang đặt ra đối với tổ chức bộ máy của hệ thống Tòa án.

Phó Chánh án Lê Hồng Quang trình bày báo cáo về Hội nghị

Theo báo cáo được Phó Chánh án Lê Hồng Quang trình bày tại Hội nghị, sau khi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 được Quốc hội thông qua, thực hiện Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Chương trình của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về triển khai thực hiện các quy định mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 04/2014/CT-CA ngày 31/12/2014 về việc triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

Theo đó, việc triển khai quán triệt về các quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 được giao cho Chánh án Tòa án nhân dân các cấp chịu trách nhiệm quán triệt đến toàn thể cán bộ, Thẩm phán, công chức thuộc thẩm quyền quản lý và tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Tòa án nhân dân tối cao gấp rút thực hiện các công việc về rà soát, chuẩn bị về tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để đảm bảo hoạt động của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

Theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, công tác tổ chức cán bộ đặt ra là rất nặng nề và trong bối cảnh gặp không ít khó khăn, trở ngại về đội ngũ cán bộ, nhưng trên cơ sở quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Ban cán sự đảng, Chỉ thị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các nhiệm vụ quan trọng về kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ của Tòa án nhân dân các cấp đã được hoàn thành, bảo đảm ổn định về tổ chức và hoạt động.

Tại Chỉ thị số 04/2014/CT-CA ngày 31/12/2014 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã đề 11 nhiệm vụ về công tác tổ chức cán bộ. Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng các đề án, tờ trình, phương án quan trọng, như: Đề án về mô hình tổ chức Đảng trong Tòa án nhân dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; Đề án chi tiết về tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân các cấp; Đề án thành lập Tòa án nhân dân cấp cao; trình Chủ tịch nước, Ban Bí thư phê duyệt về cơ cấu và quy trình bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao….

Trên cơ sở bám sát sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tổ chức cán bộ theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã được Tòa án nhân dân tối cao chủ động triển khai thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ thời gian đề ra, góp phần quan trọng để ổn định tổ chức và hoạt động cho các Tòa án nhân dân.

Về nhiệm vụ thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc trong Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện.

Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 956/NQ-UBTVQH13 phê chuẩn bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao gồm 14 đơn vị; trên cơ sở đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 918/2015/QĐ-TANDTC ngày 26/3/2015 quy định về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao.

Theo đó, các đơn vị trong bộ máy giúp việc được chia thành các khối, nhằm tách bạch chức năng hành chính và tư pháp, đó là: Khối các đơn vị giúp việc về chuyên môn, khối các đơn vị tham mưu, giúp việc về hành chính tư pháp và khối các đơn vị sự nghiệp.

Căn cứ Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Học viện Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 386/2016/QĐ-TANDTC ngày 25/3/2016 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Tòa án. Theo đó, Học viện Tòa án là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Tòa án trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao, hoạt động theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Điều lệ trường đại học.

Tòa án nhân dân tối cao đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 957/NQ-UBTVQH13 thành lập 03 Tòa án nhân dân cấp cao (tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh). Trình Chủ tịch nước chuyển đổi 66 Thẩm phán cao cấp để bảo đảm hoạt động của các Tòa án nhân dân cấp cao. Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quyết định của Chủ tịch nước, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao quyết định phương án sắp xếp, bố trí cán bộ cho các Tòa án nhân dân cấp cao.

Về nhiệm vụ tổ chức các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành các văn bản như: Thông tư số 01/2016/TT-CA ngày 21/01/2016 quy định về tổ chức các Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện; Văn bản hướng dẫn các Tòa án nhân dân cấp tỉnh xây dựng đề án về tổ chức các Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện; Phê duyệt về phương án tổ chức các Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện.

Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Bộ Quốc phòng trình Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương và chuyển đổi 12 Thẩm phán cao cấp; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 333/2017/UBTVQH14 ban hành Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định thành lập Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương; ban hành Quyết định 1121/2015/QĐ-TANDTC ngày 10/8/2015 thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ máy giúp việc trong các Tòa án quân sự.

Lãnh đạo, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị

Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ khác về công tác tổ chức cán bộ, như: Chuẩn bị nhân sự Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; xây dựng Quy chế làm việc của Hội đồng; Thành lập Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp; Quy chế thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp; Xây dựng quy trình và chuẩn bị nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để trình Quốc hội phê chuẩn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm và quy trình tuyển chọn nhân sự, lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp; Chuẩn bị nhân sự Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Xây dựng và đề xuất chế độ tiền lương, phụ cấp đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và mẫu trang phục, chế độ cấp phát và sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Thẩm phán, tuổi làm việc của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao,  mẫu trang phục, Thẻ chức danh của Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; Xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn hội thẩm.

Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân đã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ bảo đảm biên chế, số lượng Thẩm phán trong tình hình số lượng các loại vụ, việc thuộc thẩm quyền của Tòa án tăng hằng năm, năm sau cao hơn năm trước; các Tòa án nhân dân được đổi mới cả về tổ chức, bộ máy và mở rộng về thẩm quyền theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và các đạo luật tố tụng tư pháp, nhưng không được bổ sung về biên chế vì phải thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu và phê duyệt phương án bố trí cán bộ cho các đơn vị trong bộ máy giúp việc, Học viện Tòa án; cán bộ làm Thư ký cho lãnh đạo, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; cán bộ, Thẩm phán cho các Tòa án nhân dân cấp cao để bảo đảm hoạt động theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Văn Thuân, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình bày Dự thảo Nghị quyết của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao về việc lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ của Tòa án nhân dân; đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học trình bày dự thảo Bộ quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp Thẩm phán; đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức-Cán bộ tóm tắt các nội dung chính của Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trong Tòa án nhân dân.

Chiều cùng ngày các đại biểu tham gia thảo luận nhóm tại các tổ thảo luận, dưới sự điều hành của các đồng chí lãnh đạo, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Hội nghị dự kiến diễn ra trong 02 ngày (16,17/4/2018). Ngày 17/4/2018, các đại biểu tiếp tục trao đổi, thảo luận tại hội trường. Chiều cùng ngày, Hội nghị sẽ tổ chức Lễ trao Quyết định bổ nhiệm Thẩm phán cao cấp đợt 1 năm 2018.

Trích nguồn: “Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân Tối cao”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đoàn Hội thẩm nhân dân thành phố Tam Kỳ gặp mặt, giao ban đầu năm 2022

Ngày 15/02/2022, Toà án nhân dân thành phố Tam Kỳ phối hợp với Đoàn Hội …

X