Xây dựng và phát triển

Thành phố Tam Kỳ là thành phố tỉnh lỵ của Quảng Nam, nằm trên quốc lộ 1 cách thành phố Đà Nẵng 70km về phía Bắc, cách khu kinh tế Dung Quất 40km, là đô thị miền đồng bằng duyên hải miền Trung có tổng diện tích là 92,63km2, tổng dân số đến ngày 31/12/2005 là 123.662 người. Cùng với sự phát triển chung của toàn tỉnh, trong những năm qua thành phố Tam Kỳ đã có những bước phát triển nhanh về mọi mặt, xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội của tỉnh Quảng Nam, trung tâm dịch vụ tài chính- tín dụng, đào tạo, y tế, hỗ trợ Khu kinh tế mở Chu Lai, là đầu tàu thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Kèm theo quá trình đô thị hóa thì hệ quả không tránh khỏi sự phân hóa giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến phức tạp…Lường trước được những hệ quả đó, Đảng bộ, chính quyền các đoàn thể chính trị xã hội đã có chủ trương chính sách phù hợp nhằm hạn chế, kìm hãm sự phát triển của nó. Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ là một trong những cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương phải không ngừng tự hoàn thiện tổ chức, con người để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử, góp phần vào cuộc đấu tranh tội phạm, giải quyết hài hòa các tranh chấp trong nội bộ nhân dân.

Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ sau khi thành lập đến nay đã hai lần chia tách khi có thay đổi về địa giới hành chính, cán bộ phải tăng cường cho đơn vị Tòa án mới chia tách. Năm 2013, biên chế được cấp trên phân bổ là 16 người, trong đó có 07 Thẩm phán, 07 Thư ký, 01 kế toán và 01 văn thư. Tuy nhiên đến thời điểm này, số lượng cán bộ có 15 người trong đó có 06 Thẩm phán, 07 Thư ký, 01 kế toán và 01 văn thư. Như vậy, trong khi khối lượng công việc giải quyết tăng nhiều mỗi năm, với số lượng Thẩm phán như thế, thì việc hoàn thành nhiệm vụ là công việc rất khó khăn, đòi hỏi tất cả cán bộ công chức phải nỗ lực, tăng công suất công việc, đầu tư thời gian nhiều hơn.

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ công chức đơn vị vẫn yên tâm công tác, đoàn kết thống nhất phấn đấu và đạt được một số kết quả công tác như sau:

1. Về kết quả giải quyết các loại án, trung bình mỗi năm đơn vị phải giải quyết đến gần 600 vụ án các loại, hầu hết các năm đều đạt tỷ lệ giải quyết từ 90% đến 97%, trong đó án hình sự giải quyết 97% trở lên. Chất lượng xét xử và kỹ năng điều khiển tranh tụng tại phiên tòa từng bước được nâng lên, tỷ lệ án bị hủy, bị sửa giảm dần. Hầu hết các loại án đã giải quyết trong hạn luật định; đã đưa xét xử lưu động nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị ở các địa phương. Tất cả các bản án, quyết định đều được ban hành đúng thời gian quy định. Chưa có trường hợp làm oan người vô tội, hoặc bỏ lọt tội phạm.

2. Công tác thi hành án hình sự được thực hiện đúng quy định của pháp luật, ra quyết định thi hành án kịp thời và không bỏ sót bị án nào. Việc hoãn thi hành án đều đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

3. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại về tư pháp được quan tâm và thực hiện nghiêm túc, các trường hợp khiếu nại đều được giải quyết dứt điểm, không để xảy ra trường hợp khiếu nại vượt cấp, kéo dài.

4. Công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp địa phương trong công tác đấu trang phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật được đặc biệt chú trọng, giải quyết kịp thời các vụ án hình sự, nhất là các vụ án gây hậu quả rất nghiêm trọng, như các vụ án cố ý gây thương tích có đông người tham gia gây án và dùng hung khí nguy hiểm (mã tấu, dao nhọn, tuýp sắt…), mua bán trái phép chất ma túy, cướp giật tài sản, mua bán trái phép hóa đơn thuế giá trị gia tăng…Phối hợp với cơ quan điều tra và Viện kiểm sát xác định nhiều vụ án điểm và tổ chức xét xử lưu động tại nơi xảy ra tội phạm để kết hợp tuyên truyền pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Ngoài ra còn kết hợp với chính quyền địa phương thu thập chứng cứ giải quyết tốt các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

5. Công tác xây dựng đội ngũ Hội thẩm nhân dân, thực hiện Nghị quyết liên tịch số 05/2005/NQLT/TANDTC-BNV-UBTWMTTQVN về việc ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của Hội thẩm Tòa án nhân dân và Thông tư liên tịch số 01 của Tòa án nhân dân tối cao và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, đơn vị đã chủ động phối hợp với Thường trực UBMTTQVN thành phố hiệp thương giới thiệu Hội đồng nhân dân thành phố bầu 19 vị Hội thẩm nhân dân, về trình độ có 12 đại học chuyên ngành khác nhau, 07 trung cấp pháp lý, một số vị nguyên trước đây đã công tác trong các cơ quan tư pháp. Các vị Hội thẩm nhân dân luôn giữ được phẩm chất đạo đức, có nhiều cố gắng trong trong việc tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ pháp luật; tích cực tham gia xét hỏi tại phiên tòa, thảo luận khi nghị án. Giữa đơn vị và Đoàn Hội thẩm có sự phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, phân công Hội thẩm tham gia xét xử cũng như tham dự các khóa tập huấn nghiệp vụ do Tòa án tỉnh tổ chức.

6. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đã được thường xuyên quan tâm, đảm bảo hoạt động xét xử. Năm 2007, Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ đã được quan tâm cấp vốn xây dựng mới khu xét xử riêng bên cạnh khu làm việc được nâng cấp, sửa chữa. Phương tiện làm việc từng bước được Tòa án nhân dân tối cao trang bị cơ bản đảm bảo cho việc phục vụ hoạt động của đơn vị trong tình hình mới như xe máy, vi tính, máy photocoppy, tăng âm loa đài, máy điều hòa nhiệt độ và bàn ghế trang bị phòng xét xử, bàn ghế làm việc.

7. Ưu điểm nổi bật nhất trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của đơn vị là đội ngũ cán bộ nghiệp vụ đã được quan tâm đưa đi đào tạo, hiện nay các cán bộ Thẩm phán, Thư ký đều có bằng cử nhân luật, về trình độ lý luận chính trị có 02 cao cấp và 02 trung cấp, đa số cán bộ đã ứng dụng công nghệ tin học vào công việc hành chính – tư pháp. Đơn vị luôn khuyến khích cán bộ công chức đơn vị theo học các lớp ngoại ngữ để có điều kiện tham dự các đợt thi cao học luật, ở các khóa đào tạo chuyên sâu này, cán bộ có điều kiện trau dồi, nâng cao kiến thức về chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Vai trò của đảng viên trong các hoạt động của đơn vị được phát huy tối đa, luôn thể hện tính tiên phong gương mẫu, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chi bộ phân công. Công tác phát hiện bồi dưỡng kết nạp các quần chúng ưu tú được quan tâm thường xuyên, cho đến nay Chi bộ cơ quan có 12 đảng viên, có 01 quần chúng đã học xong lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng và đã hoàn tất việc xác minh lịch sử chính trị.

Mặc dù sau nhiều lần chia tách, điều động, đội ngũ cán bộ đơn vị thường xuyên biến động ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động, tuy nhiên ngoài việc phát huy năng lực, công suất của số cán bộ còn lại, bố trí và phân công công việc cho cán bộ hợp lý hơn, đơn vị đã chủ động tham mưu Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam bổ sung cán bộ thêm Thẩm phán.

Tuy đạt được kết quả cao như vậy nhưng đơn vị hiện không tránh khỏi những tồn tại cần tìm nguyên nhân để đề ra các biện pháp khắc phục nhằm hướng đến cùng toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Một số tồn tại như: trong công tác xét xử vẫn còn bản án, quyết định bị sửa, hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán, của Hội đồng xét xử, nguyên nhân chính là do khối lượng công việc quá tải; trong công tác cán bộ, mặc dù đã được quan tâm nhưng hiện nay số lượng Thẩm phán vẫn còn thiếu so với biên chế phân bổ trong khi số lượng án phải giải quyết quá nhiều.

Một số biện pháp khắc phục:

– Tiếp tục nâng cao chất lượng “tranh tụng” tại phiên tòa, đề cao trách nhiệm cá nhân của cán bộ công chức nhất là Thẩm phán khi thi hành công vụ, hằng năm từng Thẩm phán phải xác định mục tiêu để xây dựng kế hoạch công tác cho mình trên cơ sở phương hướng chung của đơn vị nhằm nâng cao công tác xét xử, hạn chế đến mức thấp nhất án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan.

– Chủ động tham mưu với Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ để đủ lực lượng Thẩm phán có năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu mới.

– Chú trọng công tác giải quyết đơn khiếu nại, không để xảy ra trường hợp đơn tồn đọng không giải quyết gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến đơn vị, uy tín của ngành.

– Tăng cường công tác thực hành tiết kiệm trong các hoạt động của đơn vị nhằm đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên, đồng thời để có nguồn thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, tạo không khí phấn khởi, tích cực hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị.

– Duy trì và phát triển mối quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, ban ngành hữu quan để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác của đơn vị.

Để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ có một số kiến nghị sau đây:

– Đề nghị Nhà nước quan tâm đổi mới chính cách tiền lương, chế độ đãi ngộ với cán bộ công chức cho phù hợp với tính chất, đặc thù công tác xét xử của ngành, không thể tồn tại một thực trạng là Thẩm phán sơ cấp lại ở cùng ngạch chuyên viên như hiện nay.

– Đề nghị ngành quan tâm phân bổ kinh phí đầu tư nâng cấp trụ sở làm việc, mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ xét xử như máy tính xách tay, máy photocoppy, máy quay phim, máy chiếu,…

Thiết nghĩ, Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ với truyền thống đoàn kết, không ngại khó khăn, với sự phấn đấu nỗ lực hết sức trong công việc của tập thể cán bộ, công chức cùng sư quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, Ban Thường vụ Thành ủy Tam Kỳ, Hội đồng nhân dân thành phố và sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban nhân dân thành phố, của các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương, Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó, xứng tầm với một Tòa án ở vị thế trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam.

X